Bộ TT&TT: Đầy đủ sở cứ của việc tăng cước 3G

(Dân trí) - Trong buổi họp giao ban quản lý nhà nước với các hãng viễn thông có hạ tầng sáng nay tại Cục Viễn thông, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) khẳng định có đầy đủ sở cứ của đợt điều chỉnh giá cước 3G vừa qua .

Đầy đủ sở cứ của đợt điều chỉnh giá cước 3G

Theo thống kê của Phòng quản lý giá cước của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đợt tăng giá cước 3G đối với gói dịch vụ không giới hạn (Unlimited) vừa qua chỉ có tác động đến 8,9% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9.

Số liệu từ Cục Viễn thông cho hay mặc dù cước 3G của 3 nhà mạng lớn đã điều chỉnh tăng từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng đối với mỗi thuê bao đăng ký gói dịch không data mobile không giới hạn nhưng giá cước đã điều chỉnh vẫn chỉ chiếm chưa đến 60% giá thành dịch vụ, và so với mặt bằng quốc tế, khu vực giá cước Việt Nam vẫn chỉ bằng 30-40% (so sánh trên thu nhập quốc dân đầu người trên toàn thế giới, khu vực và cả ASEAN).
 
Bộ TT&TT: Đầu năm 2014 sẽ xem xét việc tiếp tục tăng cước 3G
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông.

Tuy nhiên, nói về phản ứng từ người dùng và dư luận trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng đây là do lỗi của vấn đề truyền thông từ Bộ và từ các doanh nghiệp chưa được đầy đủ, dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.

Thứ trưởng cho biết trong đầu tuần tới, sau khi làm việc với Bộ Công thương, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo chính thức với Chính phủ về việc điều chỉnh giá cước 3G. Thứ trưởng khẳng định Bộ có đủ sở cứ để thực hiện đợt điều chỉnh giá cước 3G vừa qua.

Luật Viễn thông quy định điều chỉnh giá cước phải xây dựng trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng kinh tế khu vực. Và Luật giá cũng quy định như vậy, tức các doanh nghiệp phải xác định giá cước và điều chỉnh giá cước trên cơ sở biến động của các yếu tố hình thành của thị trường. Ngoài ra, Nghị định 25 quy định chi tiết rõ hơn các doanh nghiệp viễn thông có thị phần khống chế không được bán quá thấp giá cước dưới giá thành. Luật cạnh tranh cũng quy định rất rõ, chỉ cho phép các doanh nghiệp bán giá cước dưới giá thành trong một thời gian nhất định chứ không phải để phá giá, loại các đối thủ ra khỏi thị trường.

Theo Thứ trưởng, Viễn thông là lĩnh vực có đặc thù, Luật giá do Chính phủ ban hành không thể bao quát được hết mà cần phải có Luật Viễn thông bổ sung, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đã quy định cụ thể về lĩnh vực viễn thông.

“Chính vì vậy, về vấn đề giá, các Điều ước quốc tế và Luật viễn thông quy định rất cụ thể là giá cước phải căn cứ trên giá thành, cung cầu thị trường, mặt bằng khu vực. Tất nhiên giá cước chỉ liên quan đến trong nước chỉ cần căn cứ giá thành, nhưng giá cước dịch vụ có liên quan đến quốc tế thì phải căn cứ trên mặt bằng của khu vực. Đó chính là lý do vì sao giá cước 3G trên di động hay trên Internet phải căn cứ trên mặt bằng của khu vực”, Thứ trưởng lý giải về sở cứ của đợt điều chỉnh giá cước 3G trong ngày 16/10.

Thứ trưởng nói, khi chúng ta kết nối Internet có nghĩa là chúng ta đã kết nối vào toàn cầu và chúng ta phải thanh toán cho các đối tác nước ngoài, và cũng như các nước ngoài phải thanh toán cho ta. Nếu giá cước chúng ta thu không đủ trên cơ sở giá thành thì chúng ta lấy đâu ra tiền để thanh toán cho nước ngoài. Chính vì thế giá cước không chỉ dựa trên cơ sở giá thành mà còn phải dựa trên mặt bằng của khu vực và quốc tế.

“Khi xem xét tăng giá cước, Bộ đã đánh giá từ các yếu tố như vậy, chứ không đơn thuần dựa trên giá thành sản xuất của các nhà mạng”, đại diện Bộ TT&TT chia sẻ.

Đợt điều chỉnh cước 3G ngày 16/10 đã gây phản ứng mạnh mẽ từ truyền thông và người tiêu dùng.

Đợt điều chỉnh cước 3G ngày 16/10 đã gây phản ứng mạnh mẽ từ truyền thông và người tiêu dùng.

Thứ trưởng cho biết trong báo cáo với Chính phủ tuần tới, Bộ TT&TT sẽ vẫn đề xuất tiếp tục thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, sẽ điều chỉnh giá cước cả lên và xuống, đúng theo quy luật thị trường và quy định của pháp luật miễn là đảm bảo cạnh tranh và quyền lợi người dùng và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng nhận định, trong đợt điều chỉnh vừa qua có gói cước tăng, có gói cước giảm. Gói cước tăng chỉ ảnh hưởng hơn 8% người dùng. Cho nên mức tác động không lớn so với toàn thị trường. Hơn 90% người dùng ở vùng sâu vùng xa, người nghèo sẽ không bị ảnh hưởng. Đối với những người dùng smartphone, máy tính bảng là bị tác động, nhưng không lớn, đối tượng là những người có thu nhập cao trong xã hội. Thứ trưởng nhắc nhở cho rằng, các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm khi thay đổi giá cước vì 10 năm qua Việt Nam chỉ có giảm giá cước chứ không có việc tăng thế nên chúng ta cần rút kinh nghiệm để xét nên thực hiện như thế nào, gói nào tăng trước, gói nào tăng sau, tăng đồng thời sẽ gây phản ứng thị trường.

Chất lượng dịch vụ viễn thông còn có vấn đề

Thẳng thắn đánh giá về chất lượng dịch vụ viễn thông hiện nay của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng mặc dù giá cước viễn thông chúng ta thấp nhưng chất lượng chúng ta còn đang có vấn đề, đặc biệt đối với một số gói cước truy cập Internet trên di động vốn rất khó đánh giá. “Vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ phải theo đúng quy định pháp luật, những dịch vụ nào đưa ra thị trường thì phải công bố chất lượng đi kèm dịch vụ. Cần phải có kiểm tra, quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ mang tính định lượng nhiều hơn như 3G”, Thứ trưởng yêu cầu các nhà mạng nghiêm túc thực hiện.

Ngoài ra, Thứ trưởng cho biết Bộ sẽ sớm ban hành thông tư quản lý giá cước theo Luật giá mới ban hành của chính phủ và Luật viễn thông. Theo quan điểm của Bộ, cần phải tăng thêm quyền chủ động cho doanh nghiệp, quyền quyết định giá cước cho doan nghiệp theo cơ chế thị trương, chuyển mạng từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhà nước thanh tra, kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ.

Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông bên cạnh việc công khai giá thành dịch vụ thì cần phải công khai chi tiết chất lượng của từng dịch vụ mà mình cung cấp.

Bộ TT&TT cũng đã giao Cục Viễn thông xây dựng quy chuẩn cho dịch vụ truy cập Internet qua di động, đã đặt ra từ nhiều năm trước nhưng trong thời gian chính thức Bộ sẽ lấy ý kiến doanh nghiệp để sớm ban hành, làm chuẩn mực Internet trên di dộng, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng.

Khôi Linh