Bộ TT-TT “vạch trần” thực trạng tin nhắn lừa đảo

(Dân trí) - Theo Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), người dùng điện thoại cần cảnh giác với những loại tin nhắn rác hướng dẫn người sử dụng tải game, wapcharging để cài đặt vào điện thoại vì chiêu lừa đảo này trực tiếp trừ thẳng tiền trong tài khoản mà người dùng không biết.

Người dùng di động cần cảnh giác với những tin nhắn quảng cáo để tránh bị lừa đảo.
Người dùng di động cần cảnh giác với những tin nhắn quảng cáo để tránh bị lừa đảo.

Tại Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo tổ chức ngày hôm qua, Bộ TT-TT cho rằng sự phát triển của dịch vụ nội dung, trong đó có tin nhắn đã góp phần khai thác hiệu quả, tận dụng tối đa hạ tầng kỹ thuật mạng viễn thông, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận cho các nhà mạng, các doanh nghiệp di động và cả các nhà cung cấp nội dung số.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn đã “vạch trần” mặt trái của vấn nạn phát tán tin nhắn rác đang gây bức xức trong xã hội.

Theo Bộ TT-TT, dịch vụ nội dung được cung cấp qua các hình thức người sử dụng dịch vụ nhắn tin đến các đầu số xxxx hoặc gọi điện đến các tổng đài 1900xxxx để được cung cấp dịch vụ.

Số liệu từ Bộ cho biết hiện nay có 347 công ty cung cấp dịch vụ CSP, mỗi một CSP lại trực tiếp ký kết với vài chục công ty vệ tinh khác, còn gọi là CP (là doanh nghiệp làm nội dung và không có đầu số) để cung cấp dịch vụ.

Thanh tra từ Bộ nhận thấy các CSP, CP đã sử dụng modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để nhắn tin rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ.

“Việc phát tán vào nhiều thời điểm khác nhau và nhất và vào thời điểm nghỉ ngơi của mọi người đã gây sự phiền toái, phản cảm, gây bức xúc cho người dung di động”, ông Doãn nhìn nhận vấn đề.

Bộ TT-TT cho hay hiện nay những đối tượng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo thực hiện những chiêu thức lừa người sử dụng tải game, wapcharging (truy cập vào website thông qua giao thức wap và bị trừ tiền trước) để cài đặt vào điện thoại. Tuy nhiên, trong quá trình cài đặt, đăng ký mật khẩu và thao tác sử dụng, các phần mềm này dã trừ thẳng tiền (lên tới 15.000 VNĐ) trong tài khoản mà không có thông tin cảnh báo, người dùng không biết bị trừ tiền vào thời điểm nào.

Ông Doãn nhấn mạnh các nội dung tin nhắn rác chủ yếu lôi kéo người dùng vào các tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan, nội dung đồi truỵ, thông tin phản động hay là những tin nhắn tặng quà, đánh trúng tâm lý tò mò của đối tượng học sinh, sinh viên, hoặc những người ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết, mới sử dụng điện thoại lần đầu.

Những kẻ lừa đảo còn tỏ ra tinh vi hơn khi lừa người dùng làm theo hướng dẫn của tin nhắn rác, tin nhắn trả về cho người sử dụng lại tiếp tục hướng dẫn gọi các số 1900xxxx dưới danh nghĩa chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc khiến người sử dụng bị mắc lừa nhiều lần nếu không cảnh giác.

Ông Doãn cho biết Nghị định 77 vừa ra đời sẽ là “bàn tay sắt” truy quét vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Tuy nhiên, ông cũng nhận mạnh vai trò của các bên liên quan, như các nhà mạng cần phải tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, và quyết liệt thu hồi những đầu số mà các CP thuê nhưng vi phạm quy định. Ngoài ra, ý thức và sự cảnh giác của người dân cũng góp phần loại bỏ cơ hội “làm ăn” của những kẻ xấu.

Khôi Linh