Bị rắn hổ mang cắn, thiếu niên chụp ảnh “khoe” lên mạng xã hội rồi tử vong

(Dân trí) - Bị rắn hổ mang cắn, việc mà hầu hết mọi người đều làm là nhờ sự giúp đỡ và nhanh chóng đến bệnh viện, tuy nhiên một thiếu niên người Indonesia lại chụp ảnh vết cắn và đăng tải ảnh lên mạng xã hội để... khoe và nhờ giúp đỡ, kết cục là thiếu niên này đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Sự việc xảy ra tại thành phố Bandung (Indonesia), Aril 14 tuổi bị con rắn hổ mang mà mình nuôi làm thú cưng cắn vào tay khi đang cố gắng chụp ảnh nó.

Aril sau đó đã đăng tải 2 hình ảnh lên tài khoản mạng xã hội của mình, đầu tiên là hình ảnh con rắn hổ mang kèm theo thông điệp: “Tại sao không cười một tí?”. Sau đó không lâu thiếu niên này tiếp tục đăng tải thêm một hình ảnh cánh tay bị rướm máu gây ra bởi vết cắn của con rắn, kèm theo thông điệp: “Giữa sự sống và cái chết”.

Hình ảnh con rắn hổ mang của Aril và vết cắn của con rắn trên tay được thiếu niên này chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội
Hình ảnh con rắn hổ mang của Aril và vết cắn của con rắn trên tay được thiếu niên này chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội

Trong hình ảnh thứ 2 của mình có thể thấy Avril đã sử dụng một sợi dây để buộc garô phía trên vết cắn để ngăn chặn nọc độc rắn di chuyển vào tim.

Sau đó thiếu niên này tiếp tục đăng tải lên trang cá nhân của mình thông điệp: “Nếu ai coi tôi là bạn, hãy mang tôi đến bệnh viện”.

Tuy nhiên phải đến một tiếng sau khi sự việc được Aril đăng tải lên mạng xã hội, một người bạn của Aril mới tìm đến nhà và đưa thiếu niên này đến bệnh viện, tuy nhiên Aril đã tử vong sau đó dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa.

Theo truyền thông địa phương thì Aril rất yêu thích các loài rắn và con rắn hổ mang cắn chết thiếu niên này chỉ là một trong số những con rắn mà Aril đang nuôi.

Aril là một thành viên của một tổ chức chuyên biểu diễn các màn mạo hiểm trên đường phố để quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện. Khi sự việc xảy ra cả ba và mẹ của Aril đều đang đi công tác nước ngoài nên cậu chỉ ở nhà một mình.

Aril tử vong sau khi bị rắn cắn dù đã được tận tình cứu chữa
Aril tử vong sau khi bị rắn cắn dù đã được tận tình cứu chữa

Sau khi sự việc xảy ra và được truyền thông đăng tải, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích hành động “sống ảo” của thiếu niên này khi họ cho rằng thay vì lên mạng xã hội để chia sẻ những hình ảnh và nhờ sự giúp đỡ của các bạn bè trên mạng thì Aril hoàn toàn có thể gọi điện trực tiếp cho xe cấp cứu và rất có thể cậu sẽ không bị tử vong bởi vết cắn nếu được cứu chữa kịp thời.

T.Thủy
Theo Medium/WWWN