Báo điện tử "lên ngôi" nhưng hãy dè chừng mạng xã hội!

(Dân trí) - Ngày 13/5 vừa rồi, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Viện KAS (Đức) tại Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm thảo luận về việc khai thác thế mạnh cũng như hạn chế mặt tiêu cực của sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội.

Báo điện tử phát triển mạnh trong những năm gần đây
Báo điện tử phát triển mạnh trong những năm gần đây

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Việt Nam, cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các blog cá nhân dẫn đến thực tế là các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin.

Ngoài ra, mạng xã hội còn làm thay đổi hành vi của công chúng từ chỗ họ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin, đem lại những thách thức lớn cho các tòa soạn và các nhà báo.

Năm 1999, tôi có tham dự một lớp học về quản lý báo chí của Viện Đào tạo nâng cao báo chí Thuỵ Điển( FUJO ) ở thành phố Kalmaz. Sau khi về nước được vài tháng, cô giáo Ann, chuyên gia của dự án đào tạo giúp Viêt Nam lại có dịp sang nước ta công tác. Anh em trong khoá học đó biết tin có tụ tập và mời cô đến dự bữa cơm để hàn huyên chuyện cũ.

Cô giáo chúng tôi hôm đó có nhắc đến tên một tờ nhật báo bên Thuỵ Điển mà chúng tôi có dịp đến thực tập. Cô cho biết, tờ báo hồi mà chúng tôi đến  thăm, họ có trên 200 người. Vậy mà chỉ mấy tháng gần đây, họ buộc phải giảm đi tới 1/3 biên chế vì áp lực của báo điện tử hiện diện quá nhanh khiến họ phải tính ra đời sớm thêm báo internet, nếu không sẽ bị cạnh tranh quyết liệt khó có thể cưỡng lại. Rất tiếc hôm đó, anh Thang Đức Thắng, (hiện là Tổng biên tập VNexpress) lại bận việc không đến ngồi cùng nhóm đi học hồi nào . 

Tôi có điện cho anh Thắng và kể lại chuyện cô Ann nói vì được biết, anh Thắng đang rất quan tâm đến câu chuyện trên (khi đó, anh Thắng đang là trợ lí cho anh Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Lao động). Nghe đâu, Lao động đang quyết tâm thực hiện dự án mở trang Web Lao động. Anh Thắng có hỏi dồn tôi rằng: "Có thật như vậy không?". Tôi nói , "đúng vậy đấy ! Nếu ông cần tìm hiểu thêm thì sớm tìm gặp cô Ann đi, cô ấy vẫn đang ở Việt Nam. "

Thật không ngờ, có lẽ câu chuyên tưởng như chẳng có gì ghê gớm kia lại chính là thứ mà anh Thắng và báo Lao động đã tiên lượng sự lên ngôi của báo điện tử cũng như sự đi xuống, thất thế của báo in trong một tương lai gần. Có lẽ nó đã giúp anh thúc đẩy nhanh hơn ý tưởng xây dựng trang web Lao  động và cả  báo VNexpress sau đó, để rồi cả hai, cùng chớp thời cơ tiến nhanh như hiện nay?

Còn với tư duy của nhà báo Phạm Huy Hoàn, khi anh đã có ý tưởng sớm đến thế thì tất nhiên, không sớm thì muộn, báo điện tử Dân trí cũng ra đời với nhãn quan của một nhà báo kỳ cựu Phạm Huy Hoàn, nó đã phát triển rất mạnh. 

Điều đó cũng là tất yếu như mọi người đã thấy như hiện nay.

Theo số liệu do Công ty We Are Social( trụ sở ở Anh quốc ) công bố vào tháng 1/2015, Việt Nam hiện có dân số khoảng 90,7 triệu người, trong đó có 39,8 triệu người sử dụng Internet, 28 triệu người thiết lập tài khoản mạng xã hội. Như vậy, trung bình người Việt Nam tiêu tốn 3 giờ 4 phút mỗi ngày trên mạng xã hội.

Theo công bố của Facebook, có 19,6 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam, chiếm 74,1 lượng người dùng Internet.

Thông tin trên báo điện tử hôm nay, đó là những thông tin thời sự được cập nhật theo từng phút chứ không còn theo giờ. Đó cũng là thế mạnh của Internet mà báo giấy không sao đuổi kịp và luôn chịu thiệt về tính cạnh tranh trong  thông tin. Báo nào ra sớm và đúng , báo đó sẽ nắm phần thắng và tạo ấn tượng trong lòng bạn đọc! Song, cũng vì tính chất nhanh nhạy, tức thời vượt trội, lan truyền rất rộng, nhiều khi cũng lại dễ vướng phải những sai sót, thiếu chính xác vì chưa được thẩm định, mà người làm báo thì lại vội vã nên hay mắc phải .

Điều này có lẽ khỏi phải tranh luận.

Quay lại câu chuyện cần đề cập từ cuộc hội thảo tôi vừa nêu :

Tại hội thảo, cũng còn nhiều ý kiến thú vị khác. PGS Nguyễn Thành Lợi  cho biết: giá trị then chốt của nhà báo trong kỷ nguyên số hiện nay không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin và đưa tin, mà cần phải biết chọn lọc hợp lý, tổng hợp, đánh giá những thông tin quan trọng từ mớ thông tin khổng lồ do mạng xã hội đem lại, qua đó cung cấp những bài phân tích, bình luận có giá trị cho công chúng.

Thạc sĩ Lê Thị Thanh Xuân, giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền thì nhận định, mạng xã hội đã và đang có ảnh hưởng lớn đến đời sống báo chí tại Việt Nam từ việc phát hiện đề tài, nắm bắt xu hướng, khai thác thông tin đến cả việc kiểm chứng thông tin, xử lý tin tức.

Ngoài ra, mạng xã hội còn là kênh quảng bá thông tin của báo chí và là kênh tương tác hữu ích giữa báo chí và độc giả...

Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin - Truyền thông) Lê Nghiêm cho rằng, cấm mạng xã hội không phải là giải pháp cơ bản, hiệu quả. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần chung sống hòa bình với mạng xã hội, hướng tới một xã hội thông tin cởi mở, công khai, minh bạch.
“Thực hiện bức tường lửa ngăn mạng xã hội không phải là giải pháp hiệu quả. Do vậy, phải chung sống với mạng xã hội” - ông Lê Nghiêm nói.( Các ý trên, tôi trích từ báo Tuổi trẻ- TG ).

Với báo điện tử được nhà nước cấp phép, nó không thể đưa lên tất cả kiểu như mạng xã hội mà phải có sự sàng lọc, phải có trách nhiệm cao hơn. Vì vậy, sự định hướng dư luận trên báo điện tử chính thống là trách nhiệm cao cả của người cầm bút nói riêng, của đội ngũ những người làm báo chúng ta. Các cơ quan báo chí điện tử ở nước ta đã có sự phát triển nhanh cả về lượng và chất. 

Đi theo nó, vẫn phải kể tới sự đóng góp không nhỏ của hệ thống báo in truyền thống và các trang thông tin điện tử. Xu thế  này, trong tương lai càng được khẳng định cho dù ở mỗi nước khác nhau sẽ có sự phát triển khác nhau. Nhưng rõ ràng, sự lớn mạnh của hệ thống báo điện tử cũng như sự phát triển của mạng xã hội và sự tương tác thú vị của nó như hôm nay, đúng là một cuộc cách mạng về công nghệ rất đáng ghi nhận trong 18 năm qua ở nước ta.

Quốc Phong