Bằng độc quyền sáng chế của Việt Nam còn quá ít

(Dân trí)- Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, qua thống kê, số lượng đơn đăng ký và bằng độc quyền sáng chế của người Việt Nam còn quá ít.

Thông tin này được lãnh đạo Cục sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết tại hội nghị toàn quốc về quản lý SHTT tổ chức từ ngày 30- 31/10 tại tỉnh Bạc Liêu.

Hội nghị quản lý Sở hữu trí tuệ toàn quốc ngày 30- 31/10 tại Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Hội nghị quản lý Sở hữu trí tuệ toàn quốc ngày 30- 31/10 tại Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Thống kê của Cục SHTT cho biết, từ năm 1981 đến 2013, tổng số đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia đã được nộp là hơn 404.925 đơn. Trong đó, người Việt Nam nộp đơn là 260.656 đơn, còn lại là đơn của người nước ngoài.

Theo số liệu mà Cục SHTT đưa ra cho thấy, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng so với đơn của người nước ngoài (234.111 đơn so 99.622 đơn). Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sáng chế lại tăng không đáng kể và luôn duy trì ở mức khoảng 10% tổng số đơn sáng chế được nộp hàng năm (chỉ 3.671 đơn). Qua đó, có thể thấy rằng, số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ được cấp cho các chủ thể Việt Nam còn thấp so với tiềm năng, đặc biệt là số đơn sáng chế.

Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (chủ yếu là nhãn hiệu) chỉ chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và số lượng bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số bằng sáng chế đã cấp ra.

Ông Tạ Quang Minh- Cục trưởng Cục SHTT cho biết, nguyên nhân số lượng đơn đăng ký và bằng độc quyền sáng chế của người Việt Nam còn quá ít một mặt là do trình độ khoa học, công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu, mặt khác là do sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp về hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam ra nước ngoài lại càng ít hơn. Tình trạng này sẽ gây bất lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

Theo ông Minh, ở Việt Nam, thành quả nghiên cứu, sáng tạo được tạo ra hàng năm không phải là ít. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo bộ quyền sở hữu công nghiệp ở trong và ngoài nước mà mới chỉ dừng lại ở việc khai thác nhỏ lẻ hoặc tham dự các hội thi, giải thưởng khoa học công nghệ. Thực tế này làm cho việc đầu tư nghiên cứu càng trở nên lãng phí và không thúc đẩy cơ chế bảo hộ quyền sỡ hữu công nghiệp phát triển.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lúng túng trong việc bảo vệ thành quả sáng tạo của mình khi bị người khác chiếm đoạt hoặc khai thác trái phép. Thực tế, đã có những nhãn hiệu có tiếng của Việt Nam như Petrolimex, Vinataba…, thậm chí có những thành quả sáng tạo như võng xếp Duy Lợi, công nghệ sản xuất bánh tráng bị người khác đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Hơn nữa, khi mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp còn có nguy cơ xâm phạm quyền SHTT của người khác nếu như không nắm rõ các quy định và thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT của nước sở tại. Việc này có nguy cơ dẫn tới việc phải đương đầu với những vụ kiện tụng và các hậu quả pháp lý khác.

Ông Minh lý giải thêm, một doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để nghiên cứu tạo ra một giải pháp công nghệ mới hoặc sử dụng một nhãn hiệu trên sản phẩm trong nhiều năm và đầu tư lớn vào việc quảng bá cho nhãn hiệu đó nhưng không tiến hành đăng ký sáng chế hoặc nhãn hiệu thì họ vẫn không phải là chủ sở hữu của những đối tượng này. Và một hệ quả đương nhiên là bất kỳ người nào cũng có thể sử dụng giải pháp công nghệ hoặc nhãn hiệu đó mà họ không có quyền ngăn cấm, xấu hơn nữa là nhãn hiệu đó được doanh nghiệp khác đăng ký sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp nêu trên lại phải chấm dứt sử dụng nhãn hiệu này, nếu không muốn đối mặt với các vụ kiện tụng vì xâm phạm bản quyền.

Do đó, theo ông Minh, vì lợi ích của chính các nhà sản xuất, đồng thời cũng là vì bảo vệ quyền của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ của mình. “Một khi quyền được xác lập thì khi xảy ra tranh chấp sẽ được pháp luật bảo hộ. Trái lại, pháp luật sẽ không can thiệp khi quyền chưa được xác lập, đây là điểm mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý”, ông Minh khuyến cáo.

Còn theo ông Phan Minh Tân- Giám đốc Sở KH&CN TPHCM- thì việc thương mại hàng hóa sẽ không giới hạn ở một quốc gia hay địa phương nào mà nó lưu thông khắp mọi nơi. Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều hàng hóa xâm phạm quyền SHTT và hàng giả từ nước ngoài về Việt Nam, từ các địa phương khác tràn về TPHCM và ngược lại.

Trước thực trạng trên, theo ông Tân, nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ thực thi, bảo vệ quyền SHTT một cách có hiệu quả.

“Một hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể lan truyền từ tỉnh này sang tỉnh khác. Các địa phương có thể phối hợp xử lý nhưng áp dụng các biện pháp xử lý phải đồng bộ, nhất quán nếu không sẽ dẫn đến tình trạng địa phương này thì xử lý nhưng địa phương khác thì cho là không vi phạm. Từ đó, gây mất lòng tin đối với chủ thể quyền, làm ảnh hưởng đến uy tín, môi trường hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và các địa phương”, ông Tân nêu rõ.

Cục Sở SHTT cho biết, từ 1/7/2013 đến 30/6/2014, Cục SHTT đã tiếp nhận gần 80.000 đơn các loại (tăng 10,3% so với năm 2013 và 16,1% so với năm 2012). Trong đó có hơn 44.800 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Cục đã chấp nhận bảo hộ đối với 25.861 đơn và từ chối bảo hộ hơn 9.000 đối tượng SHCN.

Theo Cục SHTT, năm 2014, có 1.106 vụ xâm phạm quyền SHCN bị xử lý với tổng số tiền phạt trên 15,5 tỷ đồng; đối tượng bị xâm phạm chủ yếu vẫn là nhãn hiệu (chiếm 97,8% số vụ và 98% tổng số tiền phạt). Trong đó, các địa phương như TPHCM, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Đà Năng, TP Cần Thơ là những địa phương thực hiện xử lý xâm phạm quyền SHCN nhiều nhất.

Cục SHTT cho biết, qua thực tiễn cho thấy đã có các dấu hiệu thi hành không đúng quy định về đại diện SHCN. Có tình trạng rất nhiều cá nhân, tổ chức không có chức năng đại diện SHCN nhưng vẫn tiến hành thực hiện dịch vụ tư vấn, nộp trực tiếp đơn SHCN. Các doanh nghiệp, cá nhân này có khi nhân danh Cục SHTT hoặc Sở KH&CN để gọi điện chào mời, đôi khi cả “hù dọa” để thúc đẩy các doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký. Sau khi nộp đơn, các đối tượng này để mặc doanh nghiệp và không tiếp tục theo dõi hồ sơ đăng ký, dẫn đến tình trạng đơn bị từ chối nhưng chủ đơn không biết. 

                                                                                                Huỳnh Hải