Apple là hãng bị kiện nhiều nhất tại Mỹ trong năm 2013

(Dân trí) - Apple được xem là hãng công nghệ “hung hăng” khi luôn sẵn sàng khởi kiện những công ty khác vi phạm bản quyền sáng chế do mình nắm giữ. Tuy nhiên ở chiều hướng ngược lại, Apple cũng là hãng công nghệ bị khởi kiện nhiều nhất vì vấn đề tương tự trong năm 2013.

Theo nghiên cứu được công bố của công Lex Machina, công ty phân tích và tư vấn pháp luật có trụ sở tại Menlo Park (bang California, Mỹ) thì Apple là công ty có số vụ kiện nhắm vào mình nhiều nhất tại Mỹ, về các vấn đề vi phạm bản quyền sáng chế.

Cụ thể, trong năm qua Apple đã chịu 59 đơn kiện, nhiều hơn công ty đứng thứ 2 là Amazon với 50 vụ kiện. Đây được xem là một điều khá bất ngờ vì Apple vốn nổi tiếng là hãng công nghệ “hung hăng” khi thường xuyên khởi kiện các hãng công nghệ khác về vấn đề bản quyền, trong đó nổi tiếng nhất là vụ kiện nhằm vào Samsung kéo dài nhiều năm qua và vẫn chưa đến hồi kết.

Đáng chú ý, theo kết quả nghiên cứu của Lex Machina cho thấy các hãng công nghệ dường như đang là “những kẻ hiếu chiến” khi sở hữu số vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế nhiều nhất, mà chủ yếu đều do các hãng công nghệ khác khởi kiện.
 
10 công ty bị khởi kiện nhiều nhất về bằng sáng chế đều là 10 “gã khổng lồ công nghệ”.

Apple là hãng bị kiện nhiều nhất tại Mỹ trong năm 2013
10 cái tên có số vụ kiện liên quan đến bản quyền bằng sáng chế nhiều nhất năm 2013 đều là các hãng công nghệ

AT&T, Google và HTC là những cái tên xếp theo sau Apple và Amazon trong danh sách của Lex Machina, tiếp theo đó là Dell, HTC, Samsung, Microsoft, LG và HP. Số lượng các đơn kiện nhắm vào các hãng công nghệ lớn này không chênh lệch nhau quá nhiều, khi Google (xếp thứ 4) có 39 đơn kiện nhắm đến, trong khi đó HP (xếp cuối trong top 10) cũng đã có đến 34 đơn kiện nhắm vào mình.

Việc các hãng công nghệ thường xuyên khởi kiện lẫn nhau về vấn đề bản quyền bằng sáng chế là điều dễ hiểu vì từ lâu bằng sáng chế được xem là một vũ khí quan trọng để cạnh tranh trên thị trường công nghệ. Nhiều hãng công nghệ lớn đã bỏ ra những số tiền khổng lồ để thâu tóm những công ty nhỏ hơn hoặc đầu tư phát triển chỉ để sở hữu được nhiều hơn những bằng sáng chế, nhằm tự bảo vệ mình trong những vụ kiện tương tự.

Chẳng hạn trong thương vụ Google mua lại Motorola hay mới đây Microsoft thâu tóm bộ phận di động của Nokia, bên cạnh việc sở hữu thương hiệu sản xuất điện thoại lớn, những thương vụ này còn nhằm mục đích sở hữu những bằng sáng chế mà Motorola và Nokia đang nhắm giữ, để “làm giàu” thêm những bằng sáng chế công nghệ cho Google và Microsoft.

T.Thủy