Apple bị lên án vì bảo vệ bí mật trong iPhone của một tên khủng bố

(Dân trí) - Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đã cáo buộc rằng Apple “đang bảo vệ sự riêng tư của một tên khủng bố ISIS đã chết, thay vì an ninh của người Mỹ”. Lời cáo buộc này nhắm vào Apple sau khi hãng này từ chối thực hiện yêu cầu từ phía tòa án về việc giúp các nhà chức trách hack vào điện thoại của một kẻ khủng bố.

Các nhà chức trách Mỹ đang tìm cách giải mã chiếc iPhone thu được từ một trong những thủ phạm đã chết thực hiện vụ khủng bố vào tháng 12 năm ngoái tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ). Chiếc iPhone này được trang bị tính năng bảo mật và sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên thiết bị sau khi thử mở khóa nhiều lần không thành công. Một quan chức tòa án Mỹ đã ra lệnh cho Apple cung cấp công cụ phần mềm giúp giải mã chiếc iPhone này cho các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, phía Apple đã từ chối lời đề nghị của tòa án. CEO Tim Cook của Apple đã đăng tải một bức thư ngỏ trên trang web của Apple, gọi yêu cầu của tòa án gây “ớn lạnh” và ông cho rằng “sẽ làm suy yếu các quyền tự do mà chính phủ có nghĩa vụ phải bảo vệ”.

Apple đang đúng khi quyết tâm bảo vệ người dùng, hay đang quá cứng nhắc khi không hợp tác với cơ quan chức năng?
Apple đang đúng khi quyết tâm bảo vệ người dùng, hay đang quá cứng nhắc khi không hợp tác với cơ quan chức năng?

Quyết định của Apple lập tức nhận phải sự phản đối của nhiều người, trong đó có Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arkansas, Tom Cotton. Đáp lời bức thư ngỏ của Tim Cook, Tom Cotton cho rằng Apple “đang bảo vệ sự riêng tư của một tên khủng bố đã chết, thay vì sự an toàn của người Mỹ”.

“Thật đáng tiếc, hành động của Tim Cook và Apple cho thấy họ sẵn sàng thỏa hiệp và pháp luật là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton tiếp tục chỉ trích Tim Cook. “Vấn đề về mã hóa này không chỉ là vấn đề về khủng bố, nó có thể là một đường dây buôn bán ma túy, bắt cóc, khiêu dâm trẻ em... có thể ảnh hưởng đến toàn nước Mỹ. Thật không may khi công ty lớn như Apple trở thành sự lựa chọn của những kẻ khủng bố, buôn bán ma túy hoặc những kẻ lạm dụng tình dục”.

Giám đốc FBI James Comey cũng có cùng quan điểm với Thượng nghị sĩ Cotton khi cho rằng việc mã hóa các dữ liệu đang làm ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan thực thi pháp luật.

“Việc sử dụng ngày càng tăng các công cụ mã hóa để khóa thiết bị hoặc trong thông tin liên lạc... sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan thực thi pháp luật. Nó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”, Comey cho biết. “Những chiếc điện thoại được khóa mã có thể nắm giữ các bằng chứng về tội ác, những liên lạc về hành vi tội ác trước khi chúng được thực hiện, những bằng chứng để giải mã tội phạm”.

Tuy nhiên, hành động của Apple lại được ủng hộ bởi không ít người dùng. Nhiều người cho rằng Apple đang thực hiện đúng chức trách của mình khi bảo vệ tới cùng sự riêng tư của người dùng, cho dù đó là ai. Điều này khiến người dùng cảm thấy yên tâm hơn với sự riêng tư của mình khi sử dụng các sản phẩm của Apple.

Ngược lại, không ít người cho rằng Apple đang quá cứng nhắc trong vụ việc khi bất hợp tác với cơ quan chức năng để có thể giúp ngăn chặn những vụ khủng bố có thể xảy ra.

Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik, hai thủ phạm của vụ tấn công khủng bố
Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik, hai thủ phạm của vụ tấn công khủng bố

Trước đó, cảnh sát đã tìm thấy hai chiếc điện thoại di động bị phá hủy trong một thùng rác gần hiện trường vụ tấn công khủng bố ở thành phố San Bernardino hồi tháng 12 năm ngoái. Một trong số đó là chiếc iPhone được xác nhận là của Syed Rizwan Farook, một trong những thủ phạm của vụ khủng bố.

Farook cùng vợ mình, Tashfeen Malik, đã bị cảnh sát bắn chết trên đường chạy trốn khỏi hiện trường sau khi thực hiện vụ khủng bố.

Vụ khủng bố nói trên đã khiến 14 người thiệt mạng và ít nhất 21 người bị thường. Các cơ quan chức năng cho biết thủ phạm của vụ khủng bố có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS.

T.Thủy
Tổng hợp