4G có là “mỏ vàng” hút các nhà mạng?

(Dân trí) - Theo tính toán, 4G sẽ đem lại nguồn thu lớn cho nhà mạng nếu đầu tư bài bản. Tuy nhiên, đến thời điểm này các mạng di động đều tỏ ra thận trọng với cuộc chơi lớn và cực tốn kém này.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin - Truyền thông), về mặt cơ sở hạ tầng hiện băng tần 200 MHz dùng cho 4G đã tương đối sẵn sang. Dự kiến, Việt Nam sẽ triển khai đấu giá các băng tần 4G LTE vào cuối năm 2015, chậm nhất là vào đầu năm 2016.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, hiện đã là thời điểm tốt để Việt Nam triển khai 4G. Ủng hộ quan điểm này, ông Mantosh Malhotra, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của hãng Qualcomm nhận định: 4G tăng trưởng rất mạnh trên toàn cầu. Với 4G LTE, thế giới hiện có khoảng 500 triệu thuê bao. Ông này cho rằng Việt Nam không nên chậm chân khi có cơ hội tận dụng. Bởi hiện tại, mạng 3G đã quá tải, không đảm bảo mặt tốc độ và dữ liệu.

Trên thực tế, vấn đề phát triển này đã được các nhà mạng lớn quan tâm khá sớm. Đại diện Viettel cho biết, đã triển khai thí điểm trước ở Lào và Campuchia trên dải 1800 MHz và 2600 MHz trong năm 2015. Dù vậy, Viettel vẫn tiếp tục cân nhắc có triển khai 4G trên diện rộng tại Việt Nam hay không.

4G tiếp tục là cuộc chơi lớn và tốn kém
 

4G tiếp tục là cuộc chơi lớn và tốn kém

Theo tính toán của nhà mạng này, điều kiện kinh tế của phần lớn người dân Việt Nam chưa thích hợp để mua thiết bị đầu cuối (điện thoại) có hỗ trợ công nghệ này với mức giá 60-70 USD - rào cản trong việc thu hút số đông người dùng .

Còn đại diện Mobifone thì cho rằng, hiện tại, trên thị trường đã có khá nhiều thiết bị hỗ trợ LTE tuy nhiên, ứng dụng khai thác được LTE thì không nhiều. Ứng dụng cần nhiều băng thông nhất là ứng dụng xem tivi và video trực tuyến nhưng số lượng người có nhu cầu chưa lớn. Hơn nữa vấn đề giá thành dịch vụ rất quan trọng. Điều người dùng quan tâm chính là có thể sử dụng dịch vụ với tốc độ cao nhất nhưng mức giá thì không thay đổi. 

Khảo sát cũng cho thấy, khó có thể tăng mức cước 4G cao hơn so với  giá cước 3G hiện nay. Do vậy, nếu triển khai 4G thì không thể thu thêm mà chỉ áp dụng chung một mức cước với 3G.

Đại diện Vinaphone đưa ra thách thức, vấn đề cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc triển khai dịch vụ 4G là rất lớn. Theo tính toán của Vinaphone, ít nhất phải mất 80 – 100 ngàn vị trí đặt các trạm thì mới đáp ứng được việc triển khai 4G.

Ở góc độ tiêu dùng, chuyên gia thị trường khác cũng đưa ra nhận định, nếu nhu cầu của người dùng hiện nay mới chỉ dừng ở lướt web, gửi email thì 3G cũng đã làm tốt nhiệm vụ này. Muốn 4G phát triển thì ngành công nghiệp nội dung cũng phải phát triển, như dịch vụ xem Tivi, xem phim, chơi game, các dịch vụ dữ liệu lớn...

Có thể thấy rõ, sau khi đã đi qua quá trình đầu tư và khai thác 3G các nhà mạng đều nhận thấy tiếp tục cuộc chơi từ 3G lên 4G về tương lai sẽ đem lại nguồn thu lớn cho nhà mạng. Tuy nhiên, 4G sẽ lại là cuộc chơi lớn và cực tốn kém. Do đó, vấn đề thời điểm phải được tính toán rất thận trọng.

Phân tích vấn đề này, trong cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp viễn thông về việc triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, lựa chọn thời điểm triển khai dịch vụ 4G là rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn.

Theo Thứ trưởng, nếu như ta đi chậm một bước, ta sẽ tụt hậu và chúng ta sẽ bị thiệt hại. Tuy nhiên, nếu chúng ta đi quá sớm thì chúng ta có thể lỡ mất một nhịp công nghệ, không đón đầu được công nghệ tốt nhất. Chính vì vậy cần phải có sự phân tích, kỹ lưỡng nhiều mặt, nhiều yếu tố liên quan để lựa chọn thời điểm triển khai thích hợp.

Theo thống kê của Bộ Thông tin- Truyền thông, tính đến hết năm 2014  có khoảng 24 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng; hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong đó, băng rộng cố định đạt 6.980.000 thuê bao, băng rộng di động 3G (Datacard 3G): 4.943.000 thuê bao. Số lượng thuê bao di động đạt 138.630.000 thuê bao; tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2014 ước đạt 305.000 tỷ đồng.

 Phạm Thanh