Đắk Lắk

Y, bác sĩ bệnh viện đa khoa M'Đăk là “chiến sĩ” hiến máu

(Dân trí) - Không chỉ là những lương y cứu chữa bệnh cho bệnh nhân, mà nhiều năm nay các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đắk, tỉnh Đắk Lắk còn là những “chiến sĩ” hiến máu tình nguyện giúp những người bệnh của mình thiếu máu được điều trị tốt hơn.

Là một bệnh viện nằm khá xa trung tâm thành phố của tỉnh Đắk Lắk, và còn khá nhiều khó khăn trong việc cấp cứu và điều trị bệnh cho nạn nhân. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đắk vẫn hằng ngày thay đổi và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh với 11 bác sĩ chuyên khoa, tiếp nhận gần 300 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó có những ca cấp cứu mất nhiều máu và cần có lượng máu để cấp cứu bệnh nhân. Vào năm 2006, bệnh viện đã đầu tư cải tiến kỹ thuật để tiến hành phẫu thuật, điều trị nhiều ca cấp cứu khó như cắt tử cung, vỡ lá lách, xuất huyết tiêu hóa, suy tủy, tai nạn… cần nhiều đơn vị máu trong quá trình điều trị.

Trước khi thành lập Ngân hàng máu sống bệnh viện khi gặp những ca nào nguy kịch hay cần máu hiếm thường chuyển lên tuyến trên, đường xá xa xôi rất vất vả cho cả bệnh nhân lẫn các y bác sĩ khi cấp cứu. Mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận được lượng máu tình nguyện từ Hội chữ thập đỏ 2 lần, nhưng bệnh viện không có điều kiện lưu trữ máu dài ngày trong tủ lạnh, cộng với nhu cầu cần lượng máu mỗi ngày cho bệnh nhân.

Vào năm 2007, Công đoàn của bệnh viện chủ động xây dựng Ngân hàng máu sống và quản lý lượng máu, và huy động anh em. Với 25 thành viên là những cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn cho máu trong những trường hợp nguy kịch, kịp thời với tiêu chí đặt sức khỏe bệnh nhân lên hàng đầu.

Bệnh viện đặc biệt với y, bác sĩ là “chiến sĩ” hiến máu
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện M'Đắk không chỉ là những lương y khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mà còn là những "chiến sĩ" hiến máu

Có nhiều ca cấp cứu nguy kịch cần máu khiến các y bác sĩ của bệnh viện không thể quên như ca cấp cứu bệnh nhân ở một nữ bệnh nhân ở xã Ea Jiêng nhập viện đúng ngày mùng 1 tết năm 2013 do thai ngoài tử cung, bệnh nhân mất nhiều máu, sức khỏe yếu, được bệnh viên cung cấp 2 đơn vị máu mới đủ sức khỏe để thực hiện ca mổ. Hay anh chàng dân tộc Mông, ở xã Cư San nhập viện do bị sốt rét ác tính, thiếu máu trầm trọng bệnh viện cũng đã huy động anh em trong bệnh viện hiến máu giúp anh qua cơn nguy kịch.

Gần đây như ca cấp cứu cho nạn nhân trọng vụ lật gỗ tại xã Krông Á làm 3 người chết, 3 người nhập viện nguy hiểm, các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện tham gia cấp cứu khẩn cấp cho các bệnh nhân, cần máu kịp thời cho ca cấp cứu được các nhân viên của bệnh viện sẵn sàng cho máu mà không hề ngần ngại.

Bác sĩ Phan Xuân Thủy, Trưởng phòng kế toán nghiệp vụ bệnh viện Đa khoa huyện M’Đắk cho biết: Bệnh viện hiện tại có 120 án bộ viên chức, từ khi thành lập Ngân hàng máu sống mọi người đều kiểm tra sức khỏe để có thể cho máu khi cần, với 25 thành viên ban đầu đến nay đã lên tới 50 cán bộ viên chức thường xuyên hiến máu, tất cả các nhân viên của bệnh viện tham gia hiến máu trên tinh thần tự nguyện. Hiện tại bệnh viện có đầy đủ mọi nhóm máu nên rất chủ động trong quá trình khám chữa bệnh.

Đến bệnh viện hỏi thăm các y, bác sĩ cho máu thì những cái tên như: Hồ Thị Thu, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Thị Hoa… được rất nhiều người biết đến vì thường xuyên hiến máu nhiều lần trong năm, đã giúp đỡ được rất nhiều bệnh nhân.

Trường hợp như cô Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi), Điều dưỡng Khoa nội của bệnh viện, đã có thâm niên cho máu hằng chục năm, mỗi năm 2 -3 đơn vị máu từ trước khi thành lập Ngân hàng máu sống của bệnh viện. Đến khi thành lập “quỹ máu sống” thì cô vẫn tích cực tham gia để giúp cho nhiều bệnh nhân qua cơn nguy biến. “Ca bệnh nhân nữ bị xuất huyết tiêu hóa, hồng cầu giảm rất nguy kịch có thể mất mạng, bệnh nhân đó quá yếu cần tiếp máu nhưng lại thuộc nhóm máu hiếm, người thân không có ai cùng nhóm máu, tôi may mắn cùng nhóm máu với bệnh nhân nên cho máu và nạn nhân đủ sức để thực hiện ca mổ” – Cô Hoa nhớ lại lần cho máu mà mình nhớ nhất trong tâm trạng phấn khởi.

Trong Ngân hàng máu sống của bệnh viện cũng có nhóm máu hiếm, nên những trường hợp bệnh nhân có nhóm máu hiếm cần máu bệnh viện vẫn đáp ứng được. Anh Nguyễn Văn Diễm, Điều dưỡng Khoa ngoại sản là một trong ít người của bệnh viện có nhóm máu AB, nhóm máu khá hiếm. Tham gia vào ngân hàng máu sống của bệnh viện anh cũng đã giúp được 4 bệnh nhân khỏi tình trạng nguy kịch do mất máu.

Không chỉ là những lương y hàng ngày cứu, chữa bệnh cho những bệnh nhân mà các y, bác sĩ nơi đây luôn sẵn sàng hiến những giọt máu từ chính cơ thể mình giúp đỡ các bệnh nhân, và nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”. Sự sống, sức khỏe của các bệnh nhân là động lực để các nhân viên của bệnh viện sẵn sàng hiến máu cứu người, mà không cấp giấy chứng nhận, hay bất kỳ phụ cấp gì khác ngoài tấm lòng của chính mình, đây là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp của tất cả mọi nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk.

Trương Nguyễn- Tuệ Mẫn