Xương cá gai góc “trốn” trong phổi bé trai 13 tháng tuổi

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng khó thở, ho sặc kéo dài cả tuần bệnh nhi được bác sĩ phát hiện có dị vật nằm trong phổi.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, tại đây vừa tiếp nhận, can thiệp cho một trường hợp bị dị vật đường thở đặc biệt nguy hiểm. Bệnh nhi là bé trai P.Đ.K. (13 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) được người nhà đưa đến bệnh viện sau cả tuần ho sặc, khó thở, diễn tiến bệnh ngày càng xấu dần.

Xương cá gai góc “trốn” trong phổi bé trai 13 tháng tuổi - 1

Chiếc xương cá nhiều góc cạnh nằm ở phế quản của bệnh nhi

Khai thác bệnh sử từ bác sĩ ghi nhận, trước khi gặp những vấn đề bất thường về mặt sức khỏe, cháu đang ăn ổi thì đùa với bà nên bị sặc. Tiếp đó, khi ăn cơm, bé ho sặc sụa, thở hước, người nhà đã đưa bệnh nhi đến phòng khám kiểm tra nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nên cho về nhà nhưng sau nhiều ngày tình trạng khó thở của trẻ ngày càng nặng nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố kiểm tra.

Tại đây, trẻ thở co lõm ngực nhẹ, phổi thở rít cả 2 thì. Dù đã kiểm tra kỹ phim X-quang nhưng vẫn không phát hiện bất thường, qua thông tin bệnh sử, bác sĩ nghi ngờ trẻ bị dị vật bỏ quên trong đường thở nên quyết định tư vấn người nhà cho bé thực hiện phương pháp gây mê, nội soi kiểm tra.

Hình ảnh camera nội soi phế quản cho thấy mảnh xương mềm, bờ sắc gai góc như xương cá ở ngay lỗ phế quản trung gian phổi phải của bệnh nhi. Các bác sĩ đã nhanh chóng gắp dị vật ra ngoài. Sau gắp dị vật bé đã thở dễ, sinh hoạt ăn bú không còn trở ngại sức khỏe nhanh chóng bình phục.

Xương cá gai góc “trốn” trong phổi bé trai 13 tháng tuổi - 2
Bằng phương pháp nội soi, các bác sĩ đã gắp thành công mảnh xương cá ra khỏi đường hô hấp cho bệnh nhi

Bác sĩ Võ Thành Nhân, khoa Hô Hấp chia sẻ, gần đây khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp dị vật đường thở mới cũng như bỏ quên, các loại hạt bí, hạt điều, hạt sa pô chê... Tuy nhiên, trường hợp xương cá nằm trong phổi như của bé K. trong khi người nhà chỉ nhớ là hóc sặc ổi như trên rất ít gặp. Có thể do đợt hóc trước ổi còn sót lại đã làm bé hay hít sặc, tạo điều kiện cho việc tiếp tục hóc sặc xương trong cháo cá người nhà nấu cho bé ăn những lần sau đó.

Bác sĩ khuyến cáo, với trẻ nhỏ, phụ huynh cần tránh cho bé chơi các món đồ có kích thước quá nhỏ dễ ngậm và sặc vào đường thở, cũng như tránh cho trẻ ăn những thức ăn dễ bị hóc như: đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương… Đối với trẻ có xảy ra hội chứng xâm nhập, đột ngột ho sặc, hóc thức ăn, đồ chơi… khò khè kéo dài, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa sâu và nội soi về hô hấp nhi để phát hiện và xử trí kịp thời.

Vân Sơn