Xử lý chất thải y tế: Hầu hết các bệnh viện có sai phạm

(Dân trí) - Theo ông Phạm Đức Mục, Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), hiện lượng rác thải y tế độc hại tại các bệnh viện đã tăng gấp đôi so với vài năm trước và tình trạng sai sót vẫn xảy ra ở hầu hết các bệnh viện lớn đóng trên địa bàn thành phố.

Hôm qua (26/9), đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế lại tiếp kiểm tra việc thực hiện các quy định xử lý chất thải y tế tại BV Lao và Bệnh phổi TƯ và BV Việt-Đức.

 

Tại BV Lao và Bệnh phổi TƯ, nơi duy nhất trên địa bàn Hà Nội xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn bằng lò đốt 2 buồng ngay trong khuôn viên bệnh viện, theo đánh giá chung thì quy trình thu gom và xử lý chất thải tại đơn vị này tương đối tốt. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cơ sở này đưa vào hệ thống lò đốt để xử lý rác thải (RT), nhưng chưa hề xét nghiệm xem khí thải có đảm bảo môi trường hay ảnh hưởng đến sức khỏe của những người dân khu vực xung quanh hay không.

 

Ông Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc BV cho biết cũng thừa nhận: “Đơn vị thực hiện đầy đủ quy chế về xử lý chất thải do Bộ Y tế ban hành. Về vấn đề khói thải, quả thực Viện chưa bao giờ làm xét nghiệm khí thải nhưng quan sát bằng "cảm quan" thấy khói có màu trắng bốc lên, thì nghĩ chắc là đạt yêu cầu. Hơn nữa, cũng chưa thấy dân cư xung quanh phản ảnh gì".

 

Bà Trần Thị Hồng Linh, Thanh tra Bộ TN&MT thì cho rằng: Chưa làm xét nghiệm thì không biết khí thải đó đảm bảo hay không, nếu không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư xung quanh.

 

Theo ông Phạm Đức Mục, Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), hiện cả nước có 80 BV có lò đốt trong khuôn viên BV, trong đó 25 lò do Bộ Y tế đầu tư, còn lại do các dự án khác thực hiện. Đây là loại lò đốt có công suất và mức tiêu hao nhiên liệu khá lớn. Với quy mô 400 giường bệnh và nhu cầu đốt 120kg rác thải mỗi ngày như tại BV Lao và Bệnh phổi TƯ thì cũng chỉ sử dụng hết 1/3 công suất.

 

Như vậy nếu hoạt động cả hết công suất thì lượng khói thải ra sẽ không nhỏ. Và nếu khí thải ra từ các lò đốt này không đạt tiêu chuẩn về môi trường, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của chính cán bộ nhân viên trong BV ấy và dân cư khu vực lân cận. 

Còn tại BV Việt Đức, tuy đã thắt chặt hơn quy trình xử lý chất thải y tế, song toàn Viện chỉ có túi đựng rác thải màu vàng đựng rác y tế, không có túi rác màu xanh chứa rác sinh hoạt vì “chưa kịp mua”.

 

Theo đánh giá của đoàn thanh tra, sự thiếu thốn không đáng có này sẽ dẫn đến nhầm lẫn trong phân loại rác thải, gây nguy hại và lãng phí khâu phân loại rác ban đầu.

 

Trước đó, đoàn thanh tra đã đến kiểm tra bệnh viện K và bệnh viện Bạch Mai. Mặc dù đã được thông báo trước, song vẫn phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong việc xử lý chất thải của các BV này như: Phân loại rác không đúng loại túi có màu theo quy định chung (có thể gây nhầm lẫn khi xử lý) hay cán bộ thu gom rác không tuân thủ thời gian quy định và chỉ bằng cầm tay rồi đi qua các khu khám bệnh.

 

P. Thanh