Xét nghiệm đường máu: Làm lúc nào, bao lần là đủ?

(Dân trí) - Tùy theo mục đích của thầy thuốc điều trị xét nghiệm glucose máu sẽ được chỉ định khác nhau.

Xét nghiệm đường máu: Làm lúc nào, bao lần là đủ? - 1

Giá trị xét nghiệm glucose máu

Bệnh đái tháo đường có nhiều thể, ĐTĐ1, ĐTĐ2, ĐTĐ thai nghén, ĐTĐ thể LADA…, điểm chung là đường glucose máu đều cao hơn bình thường. Do đó, xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán, điều trị và theo dõi chính là định lượng glucose máu. Kết quả xét nghiệm glucose máu từ các mẫu lấy từ tĩnh mạch hay mao mạch có khác nhau, nhưng vẫn có giá trị khi so sánh, đối chiếu với chuẩn thích hợp.

Các loại xét nghiệm glucose máu

Trong thực tế lâm sàng, có 3 loại xét nghiệm glucose máu là glucose máu đói (fasting blood glucose FG), glucose bất kỳ hay sau ăn (postprandual blood glucose, PPG; casual glucose Gc), glucose trong nghiệm pháp dung nạp glucose (oral glucose tolerance test OGTT, Go, G2).

Cần bao nhiêu lần xét nghiệm glucose máu?

Tùy theo mục đích của thầy thuốc điều trị xét nghiệm glucose máu sẽ được chỉ định khác nhau:

+ Với chẩn đoán sàng lọc, có thể chọn một trong các loại xét nghiệm glucose máu và chỉ cần làm một lần.

+ Với theo dõi điều trị bệnh nhẹ, thông thường chỉ cần kiểm tra mỗi tháng một lần.

+ Với những bệnh nhân bắt đầu dùng insulin, ĐTĐ 1 hoặc ĐTĐ cần insulin, phải kiểm tra glucose máu vài lần trong ngày.

+ Với những bệnh nhân nặng, có nguy cơ hôn mê tăng đường huyết, tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan cetone, đang phẫu thuật.., phải tiêm chuyền insulin tĩnh mạch, phải theo dõi làm xét nghiệm glucose máu hàng mỗi giờ, thậm chí phải monitoring liên tục.

Chất đường (carbohydrate) trong thức ăn gồm đường ngọt (sugary carbohydrate) và đường bột (starchy carbohydrate). Sau khi ăn vào đường sẽ được tiêu hóa tạo ra nhiều phân tử đường glucose. Glucose sẽ lưu hành trong máu đến mọi cơ quan, tế bào của cơ thể để sử dụng tạo ra năng lượng hoạt động của cơ thể.

Các tế bào β của tụy tạng (lá mía) có khả năng sinh tổng hợp rồi chế tiết vào máu hóc môn insulin để kiểm soát ổn định nồng độ đường glucose trong máu. Nồng độ glucose máu và nồng độ insulin luôn luôn tỷ lệ thuận với nhau: glucose máu tăng thì insulin cũng tăng theo và ngược lại đường máu giảm thì insulin cũng giảm. Và khi cơ thể thiếu, hoặc insulin hoạt động không hiệu quả vị bị “kháng insulin”, thì sự điều hòa glucose máu không còn, nồng độ glucose máu tăng lên cao và con người bị bệnh đái tháo đường.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam