Xem clip sán lá “bơi” trong nước khi gắp ra khỏi tá tràng bệnh nhân

(Dân trí) - Khoa tiêu hóa (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ trong tình trạng đau bụng. Khi tiến hành nội soi dạ dày, tá tràng, các bác sĩ đã phát hiện có sán lá ruột và gắp ra ngoài. Đáng nói, khi gắp ra và được thả vào lọ nước, con sán lá ruột vẫn sống, bơi trong nước.

Các bác sĩ là thành viên của diễn đàn Bác sĩ nội trú (http://bacsinoitru.vn) đã ghi lại hình ảnh sán lá ruột bơi trong nước khi gắp khỏi tá tràng của bệnh nhân này:

 

Về căn bệnh sán lá ruột, ThS. BS. Nguyễn Quốc Thái, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có khoảng 70 loài sán lá ký sinh trong đường ruột của người. Sán lá ký sinh ở cá, các loài tôm cua và thực vật thủy sinh. Khi ăn phải những thức ăn này chưa được nấu chín, sán lá ruột lây truyền cho con người. Theo đó, người mắc bệnh hầu hết thuộc những vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc.

 

san1-0ad56

   Sán lá ruột bơi tung tăng trong nước khi được gắp khỏi tá tràng bệnh nhân.

Khi bị nhiễm sán lá ruột, sán có thể gây tổn thương tại ruột, chiếm thức ăn. Tại vết bám của sán có thể loét, niêm mạc ruột non thường bị phù nề và viêm, có thể lan xuống tận ruột già. Niêm mạc ruột có thể bị sùi và có những đám sung huyết. Ngoài những tổn thương tại ruột là nơi ký sinh của sán, những độc tố tiết ra từ sán sẽ gây rối loạn chung có thể làm phù nề toàn thân, tràn dịch màng ngoài tim, biến đổi tổ chức ở lách. Bệnh nhân thường bị thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, huyết cầu tố giảm, bạch cầu ái toan tăng lên (nhưng thường < 35%). Sau khi nhiễm sán 2 tuần, cơ thể người bệnh xuất hiện kháng thể kháng sán lá ruột trong huyết thanh.

 

san2-6c6e0

Hình ảnh sán lá ruột trong tá tràng bệnh nhân qua nội soi.

Khi nhiễm sán lá ruột, bệnh khởi phát với các triệu chứng mệt mỏi, giảm sút sức khỏe, thiếu máu. Giai đoạn toàn phát người bệnh thấy đau bụng, thường đau âm ỉ ở vùng hạ vị, có thể có những cơn đau dữ dội, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thất thường, kéo dài nhiều tuần, phân lỏng, không có máu, nhưng có nhầy lẫn thức ăn không tiêu, bụng bị trướng, nhất là ở trẻ em. Giai đoạn này dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác của đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt... Ở người bệnh bị nhiễm sán nhiều và không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng với các triệu chứng: phù toàn thân, phù mặt, phù thành bụng, phù chân, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, cổ trướng rồi bệnh nhân có thể tử vong do suy kiệt. Nhiễm một số lượng lớn sán có thể dẫn đến tắc ruột hoặc thủng ruột.

Việc chẩn đoán xác định khi thấy sán trưởng thành hoặc trứng trong phân hoặc các dịch cơ thể khác (ví dụ chất nôn, mật, dịch tá tràng, hoặc bệnh phẩm rửa dạ dày). Một số phương pháp chẩn đoán hiện có bao gồm soi trực tiếp phân, soi phong phú Kato-Katz, kỹ thuật lắng cặn hoặc kỹ thuật formalin-ethyl-acetate. Các kỹ thuật Kato-Katz và formalin-ethyl acetate được sử dụng phổ biến nhất và cho phép xác định số lượng nhiễm.

Khi phát hiện nhiễm sán lá ruột, bệnh nhân cần được điều trị đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu. Trong đó phải lưu ý cân nhắc với những người hợp chống chỉ định như phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thậm, bệnh tâm thần..., cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.

Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc lựa chọn là Praziquantel viên nén 600 mg liều 25 mg/kg/ngày trong 3 ngày hoặc uống một liều duy nhất 40 mg/kg sau khi ăn no. Tuy nhiên hiện nay chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên đánh giá về hiệu quả điều trị. Có tài liệu cho liều duy nhất 15 mg/kg là đủ . Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo liều 25 mg/kg cho điều trị tất cả các sán đường ruột , trong khi tạp chí The Medical Letter ủng hộ liều 75 mg/kg (chia 3 liều trong ngày).

Quan trọng nhất là mọi người cần có ý thức để phòng nguy cơ nhiễm giun sán nói chung. Theo đó, cơ bản nhất là thực hiện ăn chín, uống sôi; tuyên truyền người dân không ăn sống các loại rau thủy sinh như rau cần, rau muống, rau rút, rau ngổ... Quản lý phân, không bón trực tiếp phân chuồng, phân bắc vào các cây rau thủy sinh. Ngoài ra cần tiêu diệt ốc – vật chủ bắt buộc của sán lá ruột;

Với người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá ruột tại vùng lưu hành bệnh.

Ths.BS Nguyễn Quốc Thái