Vượt cạn - từ A đến Z

(Dân trí) - Ai cũng biết câu “mang nặng đẻ đau”, nhưng sẽ đau đến mức nào, trong bao lâu, có liên tục không? Có cách nào để giảm đau không? Dưới đây là tiết lộ của các chuyên gia về tất cả những gì sẽ diễn ra trong cuộc vượt cạn.

 

Vượt cạn - từ A đến Z - 1

Làm thế nào để biết bạn đang chuyển dạ?

Với những người mới làm mẹ lần đầu, có thể rất khó biết được lúc nào thì chuyển dạ bắt đầu, và chuyện “báo động giả” không phải là hiếm gặp. Vì trong những tháng cuối, những cơn co do căng cơ tử cung (còn gọi là cơn co Hicks) xảy ra khá thường xuyên, và điều này là bình thường.

Tuy nhiên nếu bạn thấy những cơn co diễn ra thường xuyên hơn, hãy đánh dấu lại. Nếu chúng diễn ra cách nhau 10 phút hoặc ít hơn thì có khả năng bạn đang chuyển dạ. Nhưng nếu các cơn co diễn ra khá nhẹ và thưa thì ít bạn chưa cần lo lắng.

Nếu thấy mình đã bắt đầu chuyển dạ sớm thì điều quan trọng nhất là đừng hoảng hốt. Lúc này bạn nên đứng dậy, đi lại và làm những việc nhẹ nhàng để trọng lực giúp quá trình chuyển dạ diễn ra trôi chảy.

Ăn uống lúc này cũng rất quan trọng, hãy ăn những thứ nhẹ nhàng, dễ tiêu nhưng giàu năng lượng, hãy nhỏ bạn sẽ cần dành sức lực cho giai đoạn sau và khi quá trình chueyenrf dạ tiếp diễn thì bạn sẽ ngày càng ít muốn ăn hơn.'

Cần gọi bác sĩ ngày nếu bạn bị ra máu đỏ tươi, cảm thấy vỡ ối, cử động của thai nhi yếu đi hoặc nếu thấy sốt và đau đầu nhiều.

Chuyển dạ có thể bắt đầu vào bất kì lúc nào, và nếu bạn cảm thấy không chắc chắn lắm thì tốt nhất là gọi cho bác sĩ, họ sẽ khuyên bạn nên làm gì, cũng như khi nào thì cần tới nhà hộ sinh hoặc bệnh viện.

Chuyện gì xảy ra khi vỡ ối?

Việc ghi lại thời điểm vỡ ối là rất quan trọng. Nếu chuyển dạ diễn ra trong thời gian dài, thông tin này sẽ giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ nhiễm trùng.

Nhiều người nghĩ rằng vỡ ối sẽ giống như cảnh trong phim - bạn sẽ được bế ra khỏi cửa hàng khi đột nhiên nước chảy ào ra sàn. Nhưng trong thực tế, nhiều phụ nữ không chủ động được chuyện vỡ ối. Bạn có thể cảm thấy “ục” một phát. Và đó chính xác là điều sẽ xảy ra, túi ối giống như một quả bóng dai chứa đầy nước bị vỡ ra.

Một số phụ nữ sẽ cảm thấy nước phun ra - điều này có thể gây cảm giác xấu hổ - nhưng hiếm gặp.Thay vào đó, đa số thấy mình bị ướt.

Bạn sẽ ra nút chất nhày

Còn gọi là “máu cá”, nút chất nhày nằm ở cổ tử cung, có nhiệm vụ đóng kín tử cung và ngăn không cho nhiễm trùng lan đến tử cung.

Khi chuyển dạ, nút chất nhày sẽ mềm ra và trước hoặc khi chuyển dạ bắt đầu, nó sẽ đi ra qua đường âm đạo cùng với dịch khi vỡ ối.

Điều này là dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy chuyển dạ đã bắt đầu. Đây chỉ là một cục chất nhày nhỏ, đường kính không quá 1cm, và không phải lúc nào cũng thấy rõ. Đôi khi có thể có một vài chấm máu, song nếu thấy có nhiều máu chảy ra thì cần gọi bác sĩ ngay.

Sẽ đau đến mức nào?

Chắc chắn vượt cạn là sẽ đau.

Nhưng đau đến mức nào thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tư thế của thai nhi.

Tư thế hay gặp nhất là đầu em bé ở phía dưới và mặt hướng về phía cột sống. Tư thế này sẽ giúp cuộc vượt cạn diễn ra khá nhanh chóng và không đến nỗi đau lắm.

Thời điểm này sẽ không dễ chịu gì nhưng lúc này cơn đau đồng nghĩa với việc em bé sẽ sớm được sinh ra. Do đó các chuyên gia khuyên người mẹ nên cố gắng và thư giãn và thay vì đếm những cơn co, hãy nghĩ rằng chúng là một bước để bạn sớm được ôm em bé trong vòng tay

Thời gian chuyển dạ sẽ tác động đáng kể đến việc liệu người mẹ có cần gây tê ngoài tủy sống hay không, vì chuyển dạ càng kéo dài thì càng cần nhiều sức lực.

Gây tê ngoài màng cứng không phải là cách giảm đau duy nhất

Gây tê ngoài màng cứng là một biện pháp gây vô cảm khu vực, trong đó thuốc tê được tiêm vào tủy sống ở lưng của người mẹ. Đối với nhiều người, gây tê tủy sống khiến cơn đau đẻ biến mất như thể có “thuốc tiên”.

Tuy nhiên, còn có những cách khác để giảm đau, ví dụ như đẻ trong nước, tắm nước ấm, mát xa nhẹ nhàng ở lưng, hoặc châm cứu, và tùy theo từng người mà mỗi cách này lại có hiệu quả khác nhau.

Một trong những biện pháp giảm đau phổ biến nhất mà các “bà bâu” hay được nghe nói tới là Entonox. Đây là một loại khí không màu, không mùi, có thành phần một nửa là ô xít nitơ và một nửa ô xi. Nó phát huy tác dụng rất nhanh, chỉ sau 20 - 30 giây.

Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau có thể sử dụng khi chuyển dạ, bao gồm pethidine, diamorphine và meptid, được tiêm vào đùi.

* Còn tiếp

Cẩm Tú

Theo DM