Vụ tử vong sau khi tiêm thuốc dị ứng: Các bác sĩ “suýt” được bệnh viện khen thưởng

(Dân trí) - Lần sốc phản vệ thứ nhất, các bác sĩ giúp người bệnh qua nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Khi bệnh viện dự định đề xuất khen thưởng các bác sĩ vì cứu được bệnh nhân sốc phản vệ nặng thì người bệnh tái sốc, bác sĩ trở tay không kịp.

Liên quan đến ca tử vong xảy đến với bệnh nhân L.N.T. (30 tuổi, ngụ tại TPHCM), ngày 24/4, Bệnh viện An Sinh đã có những thông tin phản hồi tới báo chí.

Bác sĩ Lưu Tuấn Khang, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, người bệnh được chồng chuyển đến khoa Cấp cứu vào 18h ngày 18/4 trong tình trạng ngứa, đỏ da, nổi mề đay.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó (khoảng 14h cùng ngày) bệnh nhân ăn các món: tôm, cua, thịt bò. Mặt khác, 3 ngày trước (tức ngày 15/4) bệnh nhân từng gặp triệu chứng nổi mẩn ngứa, đã tự dùng thuốc điều trị ở nhà.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện An Sinh nơi tiếp nhận, chăm sóc ban đầu cho người bệnh
Khoa Cấp cứu Bệnh viện An Sinh nơi tiếp nhận, chăm sóc ban đầu cho người bệnh

Tại khoa Cấp cứu, qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân tiếp xúc tốt, kết hợp khai thác bệnh sử, người bệnh được chẩn đoán bị dị ứng thức ăn. Bệnh viện đã tiến hành điều trị theo hướng chống dị ứng. Thông tin được BS Khang cung cấp quá trình tiếp nhận cấp cứu, điều trị ban đầu, bệnh nhân được bác sĩ cho sử dụng thuốc (Lactate Ringer 500ml, Solu-medrol 125mg, Rupafin 10mg).

Sau khi dùng các loại thuốc trên, đến 19h30 phút cùng ngày, bệnh nhân than ngứa toàn thân, được bác sĩ tiêm thêm một ống Zantac 50mg và cho uống viên chống dị ứng Chlorpheniramine 4mg. Tuy nhiên, 30 phút sau, nữ bệnh nhân có cảm giác khó thở, buồn nôn, chóng mặt, nổi mề đay toàn thân, có dấu hiệu tụt huyết áp, mạch và nhịp thở tăng nhanh.

Ê kíp bác sĩ bệnh viện đã hội chẩn nhanh và chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ thuốc chống dị ứng từ đường tiêu hóa nên cho sử dụng thuốc tiêm dưới da (1/2 ống adrenaline, loại 1mg/1ml). Tuy nhiên, ngay sau đó người bệnh rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Sau chẩn đoán sốc phản vệ nặng (độ IV), bệnh viện tiến hành cấp cứu tích cực bằng phương pháp ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng trợ thở, xốc điện 3 lần kết hợp với dùng adrenaline (5 phút dùng 1 ống). Nỗ lực của ê kíp đã giúp bệnh nhân hồi tỉnh, đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân tiếp xúc tốt, nói chuyện được.

Phía bệnh viện khẳng định đã theo dõi sát và chăm sóc rất tích cực cho người bệnh từ đêm 18 đến sáng ngày 19/4. Nhật ký theo dõi thông tin, diễn tiến của người bệnh được cập nhật thường xuyên, theo đó sáng ngày 19/4, chị T. đã có thể ngồi dậy ăn cháo, trò chuyện cùng y bác sĩ và thân nhân.

Cả phía bệnh viện và người nhà đều vui mừng trước diễn biến rất khả quan của bệnh nhân. BS Lưu Tuấn Khang cho biết, thời điểm đó tôi đang định làm đề xuất lên Ban giám đốc Bệnh viện An Sinh để xem xét khen thưởng các y bác vì đã nỗ lực cứu thành công trường hợp bị sốc phản vệ rất nặng.

Khi đề xuất khen thưởng chưa kịp thực hiện thì người bệnh lại rơi vào nguy kịch. Khoảng 8h ngày 19/4, chị T. than mệt, khó thở, môi tím, da xanh. Bệnh viện đã tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng người bệnh không có dấu hiệu phục hồi.

Bệnh viện An Sinh đã chủ động liên hệ với Bệnh viện Nhân Dân 115, chuyển người bệnh sang cấp cứu, điều trị nhưng nỗ lực của cả 2 bệnh viện đều không mang lại kết quả.

Sự ra đi của chị T. không chị khiến gia đình bị sốc mà chính các y bác sĩ cũng không ngờ tới. “Theo y văn, dị ứng đường tiêu hóa rất ít gây ra sốc phản vệ. Bản thân tôi làm trong nghề nhiều năm cũng chưa gặp trường hợp nào. Tình trạng sốc phản vệ và tái sốc phản vệ bệnh nhân T. gặp phải nhiều khả năng do cơ địa quá mẫn cảm” - BS Lưu Tuấn Khang nhận định.

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc trên, Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện An Sinh báo cáo vụ việc. Ngày 24/4, BS Tuấn Khang cho biết, bệnh viện đã họp Hội đồng Khoa học xem xét quá trình chẩn đoán, cấp cứu cho bệnh nhân. Bước đầu cho thấy, việc tiếp nhận, điều trị, sử dụng thuốc cho người bệnh đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế. Hiện bệnh viện đã gửi bệnh án cùng các nội dung, báo cáo liên quan đến Sở Y tế thành phố.

Vân Sơn