Vụ “ném đá” Đỗ Nhật Nam và tâm lý bé 11 tuổi

Hành động “ném đá” clip trả lời phỏng vấn của bé Đỗ Nhật Nam chẳng khác nào việc “cầm dao đâm” vào tâm hồn của bé. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý khi Nam vẫn chỉ là một đứa trẻ.

Chúng ta là ai mà “ném đá” trẻ em?

 

Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội nói chung và trên các báo điện tử nói riêng đang rộ lên “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam. Câu chuyện được bắt đầu khi cậu bé được cho là “thần đồng” này trò chuyện trong một clip phỏng vấn tại triển lãm sách tại TPHCM.

 

Trong clip phỏng vấn, Nam trả lời không thích đọc truyện tranh vì mẹ em cho rằng “truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn”. Chính câu nói đó mà cậu bé 11 tuổi này chịu không ít búa rìu dư luận vì họ cho rằng em bị đánh mất tuổi thơ và có thái độ không tôn trọng người lớn…

 

Trả lời Kiến Thức, MC trong clip phỏng vấn Đỗ Nhật Nam cho biết được biết, trong khi quay clip đó, Nam trả lời hoàn toàn không chuẩn bị trước, cậu bé tỏ ra rất hiểu biết và tự tin. Đặc biệt, Nam luôn tỏ ra lễ phép, thưa gửi đàng hoàng. Theo cô, cậu bé có quyền đưa ra những ý kiến cá nhân trong cuộc phỏng vấn. “Có thể, phong cách của Nam tự tin kiểu người lớn, nhưng Nam không hề có lỗi trong chuyện đó”, cô MC này nói.

 

 

Bé Đỗ Nhật

Bé Đỗ Nhật Nam trong clip phỏng vấn. (Ảnh cắt từ clip)

 

 Đứng về góc độ tâm lý, một chuyên gia cho rằng, việc phê phán hay kích động dù là trên mạng, hướng vào một đứa trẻ mới độ tuổi dưới 15 là hành vi “tàn nhẫn”.

 

Thạc sĩ tâm lý học Lê Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ sự lo ngại khi một cậu bé mới 11 tuổi mà phải hứng chịu nhiều “vết dao đâm” từ dư luận xã hội. “Người ta sẵn sàng “ném đá” mà quên rằng Nam chỉ là một cậu bé 11 tuổi. Góp ý là tốt nhưng góp ý phải chân thành, ngôn từ phải xây dựng. Không biết những độc giả “lớn tuổi hơn” đó có nghĩ rằng mỗi lời “ném đá” của mình buông ra là một con dao giết chết tâm hồn của một nhân tài đang lớn?” ông Hiếu bày tỏ.

 

Theo các tài liệu tâm sinh lý lứa tuổi, độ tuổi từ 11 đến 14 là tuổi trẻ sẽ vào giai đoạn “bước ngoặt” - cơ thể bắt đầu dậy thì. Các em bé tuổi này thường có xu hướng tự khẳng định mình, muốn được đối xử như người lớn. Mặt khác, tâm lý lứa tuổi này khá nhạy cảm, không dễ nghe lời khi bị “xử ép” như khi các em còn bé.

 

Trong thực tế thì Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng đã nêu rõ tại Điều 14 và Điều 26. Điều 14, luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nếu rõ: Trẻ em có “quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”.

 

Còn tại Điều 26 của Luật trên, viết: “Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

 

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): “Luật hiện hành đã có quy định mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em đều bị xử lý nhưng luật không lường hết được những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế cuộc sống, như hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ em từ cộng đồng mạng chẳng hạn”.

 

Theo Anh Đào

Kiến thức