Vụ máy bay chở 150 người đâm xuống núi: Góc nhìn từ sức khỏe tâm thần

(Dân trí) - Trước những điều tra ban đầu cho thấy Andreas đã gặp phải những vấn đề về tâm lý và từng được điều trị trầm cảm, một loại rối loạn tâm thần, có lẽ người ta cũng sẽ viện đến các chuyên gia tâm thần nhằm ngăn các trường hợp tương tự tái diễn.

Nỗi đau buồn của các gia đình các nạn nhân chuyến bay 4U 9525 do cơ phó Andreas gây ra
Nỗi đau buồn của các gia đình các nạn nhân chuyến bay 4U 9525 do cơ phó Andreas gây ra

Từ thế giới...

Sự kiện chiếc máy bay 4U 9525 của hãng Germanwings lao vào dãy núi Alps trên lãnh thổ nước Pháp ngày 24 tháng 3 kéo theo 150 sinh mạng vô tội đã làm chồng chất thêm những đau buồn của ngành hàng không trong thời gian qua. Trong danh sách những người xấu số từ 18 quốc gia đó có trẻ em, người già, phụ nữ, công chức, nhà khoa học, v.v. Nỗi đau đối với gia đình, người thân, bè bạn của các nạn nhân chắc chắn là không thể đo đếm và khó nguôi ngoai.

Định nghĩa sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Sức khỏe tâm thần là tình trạng thoải mái mà mỗi cá nhân thực hiện được khả năng của mình, có thể ứng phó với các căng thẳng thường gặp trong cuộc sống, có thể lao động năng suất và hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.

Người ta càng bàng hoàng hơn khi biết rằng thủ phạm gây nên thảm kịch này là do con người. Cơ phó của chuyến bay, Andreas Lubitz, đã cố tình hướng máy bay đâm vào núi sau khi cơ trưởng bị khóa bên ngoài khoang lái. Những điều tra ban đầu cho thấy Andreas đã gặp phải những vấn đề về tâm lý và từng được điều trị trầm cảm, một loại rối loạn tâm thần phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 3-17% dân số tùy quốc gia, 6% tại Đức và khoảng 3% tại Việt Nam.

Đã có những giả thuyết được đặt ra về mối liên quan giữa bệnh tình của viên cơ phó và hành vi tự sát, đồng thời khiến những người khác cùng chịu số phận như mình, còn được gọi với tên hành vi giết người-tự sát (murder-suicide).

Mặc dù vậy, trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta cần làm rõ một chi tiết về mặt pháp luật, đó là người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là điều được quy định tại bộ luật hình sự của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Các hãng hàng không đang gấp rút đưa lên bàn những kế hoạch cải tổ hệ thống tuyển lựa, đánh giá nhân viên và đảm bảo an toàn bay. Có lẽ người ta cũng sẽ viện đến các chuyên gia tâm thần để phân tích sâu hơn trường hợp cụ thể của Andreas nhằm ngăn các trường hợp tương tự tái diễn.

... đến Việt Nam

Cũng từ khía cạnh chăm sóc sức khỏe, có thể thấy được một số điều có liên quan đối với công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần của Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, các vấn đề sức khỏe và bệnh không truyền nhiễm, bao gồm sức khỏe tâm thần ngày càng cho thấy các dấu hiệu vượt qua ranh giới cá nhân và gây ra nhiều nguy cơ, hậu quả với cộng đồng rộng lớn hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các rối loạn tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động, tình trạng kinh tế của người bệnh mà còn làm tăng nỗ lực chăm sóc và các chi phí liên quan với người chăm sóc và hệ thống y tế và toàn xã hội mà sự kiện máy bay 9525 vừa qua là một ví dụ đắt giá tuy không thật điển hình.

Thứ hai, gia đình và cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng và không thể tách rời trong phát hiện, điều trị và chăm sóc có hiệu quả người bị rối loạn tâm thần. Sự việc có thể có hy vọng khác đi nếu người bạn gái có nhận thức và cảnh giác hơn với các biểu hiện của Andreas, nhất là khi liên hệ với công việc của anh này.

Mặt khác, sự kỳ thị, xa lánh gây ra nhiều hậu quả to lớn, có thể khiến người bệnh mặc cảm, không điều trị hoặc bỏ điều trị, và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh sẵn có. Tuy nhiên, tại Việt Nam những nỗ lực để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị rối loạn tâm thần vẫn còn một số hạn chế nếu so với bình diện quốc tế. Vòng tay nhân ái của cộng đồng là một trong những yếu tố nền tảng để tạo nên sự thành công bền vững của các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều này càng có ý nghĩa do tác động đáng kể của các yếu tố gia đình, xã hội và văn hóa đến sự hình thành và tiến triển của các rối loạn tâm thần.

Thứ ba, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc cần nhận được sự quan tâm tương xứng với vai trò quan trọng mà nó vốn có. Nếu cho rằng nguyên lý tảng băng trôi là áp dụng được từ sự việc máy bay 9525, chúng ta có thể đặt vấn đề rằng còn nhiều công việc liên quan đến sự an nguy của nhiều người và vì vậy việc phát hiện, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những người làm việc trong những ngành nghề này cần được chú trọng.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều ngành nghề có mức độ stress cao hơn nhiều lần so với điều kiện bình thường và tỷ lệ mắc một số rối loạn tâm thần của người lao động cao hơn so với quần thể chung. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có các chính sách, chương trình được xây dựng một cách hệ thống nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động.

Khuyến nghị

Do bài viết ngắn này lấy xuất phát điểm từ sự kiện máy bay 9525 nên không nhằm đưa ra cái nhìn mang tính toàn diện về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam. Mặc dù vậy, từ các nhận xét trên có thể đề xuất một số khuyến nghị cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.

Thứ nhất là cần có những hiểu biết đầy đủ hơn về các rối loạn tâm thần và gánh nặng đối với xã hội trên nhiều khía cạnh. Các bằng chứng chính xác, khoa học dựa trên những nghiên cứu được thực hiện bài bản sẽ là cơ sở thuyết phục để thiết kế các chính sách quy tụ sự hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực trong các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần. Khuyến nghị này cũng hàm ý việc tăng cường hơn nữa việc xây dựng và sử dụng bằng chứng trong phát triển chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần. 

Thứ hai, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, bao gồm kiến thức cơ bản về rối loạn tâm thần, phương cách hợp tác với cơ quan y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các rối loạn tâm thần cho mình và người thân. Không ai biết khi nào một đốm lửa có thể trở thành đám cháy và sự chủ động dự phòng đôi khi rất đơn giản nhưng hết sức ý nghĩa.

Thứ ba là cần chú trọng đến chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Một phần lớn dân số, nhất là người trưởng thành trong độ tuổi lao động dành phần lớn thời gian hoạt động tại nơi làm việc. Chính vì thế, những điều kiện tại nơi làm việc tác động đáng kể đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng. Đây cũng là môi trường thuận lợi để triển khai các nỗ lực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Cuối cùng là cần điều chỉnh tỉ trọng chi phí y tế cho chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tuy không có con số chính thức nhưng theo một số chuyên gia, đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam chiếm khoảng 2% ngân sách y tế. Nhận xét này gần với mức chi trung bình của các nước đang phát triển cho sức khỏe tâm thần, mặc dù cần có các nghiên cứu để có ước lượng chính xác hơn. Tuy nhiên có thể chắc chắn rằng so với các nước phát triển, sự chênh lệch trong tỉ trọng đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tâm thần của Việt Nam là rõ ràng.

Ngành hàng không và kinh tế nước Đức đang và sẽ đón nhận những hệ quả rõ ràng từ sự kiện máy bay 9525. Ngoài ra, trong thời gian tới những chuyển biến trong chính sách, quy định về lao động là có thể dự đoán được, không chỉ đối với nước Đức mà còn tại nhiều quốc gia khác và Việt Nam nên nằm trong số đó, không chỉ đối với ngành hàng không mà còn các ngành khác liên quan đến sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của con người. Trong những chuyển động đó, đảm bảo sự thoải mái về tâm thần dựa trên cách tiếp cận khoa học, toàn diện và đa ngành đang dần trở thành một nhân tố không thể thiếu.

La Thành Nhân