Lâm Đồng:

Vụ gần 100 trẻ em nghi ngộ độc sau bữa cơm: Đoàn từ thiện không thông báo với chính quyền

(Dân trí) - Lãnh đạo huyện Lâm Hà cho biết đoàn từ thiện từ TPHCM tự liên hệ với người dân để tổ chức trao quà và nấu cơm từ thiện. Trong gần 100 trẻ bị nôn ói, ngất xỉu, tiêu chảy, mất nước sau bữa cơm, nhiều trẻ đã ổn định sức khỏe.

Vụ gần 100 trẻ em nghi ngộ độc sau bữa cơm: Đoàn từ thiện không thông báo với chính quyền - 1

Nhiều bệnh nhi đã ổn định sau khi cấp cứu, tuy vậy, ngành y tỉnh Lâm Đồng vẫn giữ lại điều trị cho đến khi hồi phục hoàn toàn. 

Ngày 31/12, trao đổi với báo chí, ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cho biết đang tích cực hỗ trợ cấp cứu cho các bệnh nhân cấp cứu tại nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. UBND huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Ông Chí cũng khẳng định đoàn từ thiện từ TPHCM với trưởng nhóm là một người phụ nữ tên An xuống địa bàn thôn Thực Nghiệm xã Mê Linh không thông báo với UBND huyện. Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện tìm hiểu mới biết người phụ nữ tên An tự liên hệ với người dân thôn Thực Nghiệm để thống nhất thời gian, địa điểm trao quà và nấu ăn cho trẻ em nghèo.

"Họ đã nấu đồ ăn, mì tôm, xúc xích, tặng sữa uống vào trưa 29/12 cho khoảng 200 cháu ở thôn Thực Nghiệm. Đến chiều tối, khoảng 60 trẻ nhỏ đã có biểu hiện ngộ độc thực phẩm và sau đó phát hiện thêm nhiều em khác", ông Chí chia sẻ thêm.

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo nhanh về sự việc. Cụ thể, vào lúc 13h ngày 29/12, tại Nhà nguyện Giáo xứ thôn Thực Nghiệm (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) có tổ chức buổi ăn từ thiện gồm khoảng 250 suất ăn, trong các món ăn có món mỳ xào với xúc xích, trứng chiên và rau sống. Mỳ tôm, xúc xích được đoàn từ thiện mang từ TPHCM xuống. Trứng và rau được mua ở chợ Mê Linh. Sau bữa ăn, mỗi người được phát hai bịch sữa Dutch Lady và hai bịch sữa Oishi.

Khoảng 19h cùng ngày, nhiều trẻ em có triệu chứng đau bụng, nôn mửa, mất sức đề kháng. 19 giờ 40 ngày 29/12, ca đầu tiên phải nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, sau đó chuyển tuyến tới Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng.

23h ngày 29/12 đã có 80 ca cấp cứu, trong đó 54 ca cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng, 7 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, 6 ca tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà và 13 ca tại Phòng khám Đa khoa khu vực Nam Ban (huyện Lâm Hà). Trong số các bệnh nhân có 9 người lớn và 71 trẻ em. Các bệnh nhân cấp cứu đều trong tình trạng ngộ độc, mất nước, nôn mửa và đau bụng tiêu chảy cấp độ B - cấp độc C. Đến 9h ngày 30/12, tổng số bệnh nhân nhập viện tăng lên 108 người, trong đó có 9 người lớn và 99 trẻ em.

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng Trịnh Văn Quyết cho biết hiện các bệnh nhân đã được điều trị ổn định. Hầu hết các trẻ đều là người dân tộc thiểu số nên ngành y tế tỉnh đã giữ lại để theo dõi đến khi ổn định hoàn toàn mới cho xuất viện.

Hiện, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã lấy mẫu một số thực phẩm, bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Xuân Hinh