Vụ bé 7 tuổi chết trong máy giặt: "Lồng ngang" liệu có an toàn?

Mới đây thông tin về một bé trai được gia đình phát hiện tử vong vì ngạt khí khi ở trong chiếc máy giặt lồng ngang đã làm dấy lên nỗi lo ngại với người dùng về các sản phẩm điện tử gia dụng có thật sự an toàn không?

Đai diện siêu thị điện máy Xanh cho biết: Máy giặt lồng ngang hiện nay đều thiết kế có chế độ khóa an toàn trẻ em. Khi máy giặt hoạt động, trẻ em không thể mở cửa máy giặt được cũng như không thể thao tác được các phím trên máy giặt vì đã bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, trong trường hợp máy không hoạt động, trẻ nhỏ chui vào lồng giặt, có thể không mở cửa từ bên trong được nên dẫn đến trường hợp bị ngạt.

Cùng ý kiến trên, một nhà kinh doanh điện máy khác cho biết máy giặt lồng ngang là loại được thiết kế để giặt quần áo sạch hơn bảo vệ quần áo tốt hơn với lồng giặt nằm ngang, cửa của máy giặt lồng ngang được đặt phía trước. Do đó cửa được thiết kế với các ron bằng silicon rất kín để chống chảy nước ra ngoài.

Vì chốt mở cửa của máy giặt nằm bên ngoài nên bên trong khó đóng lại được, cần một lực nhất định. Khi cửa đóng, bên trong không mở ra được. Vì vậy, việc sử dụng máy giặt trên thực tế không đơn giản như mọi người nghĩ. Do đó trường hợp em bé không may tử vong nói trên xảy ra là rất hy hữu, khó xảy ra. Các nhà sản xuất đã tính toán các tiêu chuẩn rồi.

Các nhà kinh doanh cho rằng đối với máy giặt cửa trên thì cửa ở trên cao, không có thiết kế có chế độ khoá an toàn, không kín như máy giặt lồng ngang… Tuy nhiên cần cẩn trọng trong quá trình dùng để tránh rủi ro và việc làm theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất là rất quan trọng.

Theo đại diện siêu thị điện máy Xanh, người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Thông thường, máy giặt cửa ngang có công suất tiêu thụ điện cao hơn máy giặt cửa trên. Điện áp quá yếu sẽ dẫn đến tình trạng máy “gồng mình” làm việc lâu dần dẫn đến tình trạng máy sẽ hư hỏng. Khi hoạt động với cường độ dòng điện không phù hợp với công suất tính toán của nhà sản xuất sẽ dẫn đến cháy nổ. Đường dây điện quá nhỏ cũng là một nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý.

Vị này cũng lưu ý khi sử dụng máy giặt, tuyệt đối không được cho tay vào lồng giặt khi máy đang hoạt động. Không bẻ mất một chấu ghim điện đối với loại phích cắm ba chấu. Không đặt máy giặt nơi ẩm thấp vì sự tiếp xúc với mưa, nắng lâu ngày sẽ làm một số bộ phận được sản xuất bằng nhựa như: nắp máy, dây điện…. bong tróc, hư hỏng do bị oxy hóa.Không để máy giặt quá sát tường vì khi có sự cố rò rỉ điện, mặt tiếp xúc với tường sẽ là môi trường tốt truyền điện.

Đại diện siêu thị điện máy Xanh cũng lưu ý trường hợp nước văng lên gây ra rò rỉ điện, đe dọa đến sự an toàn của người sử dụng. Trường hợp này thường xảy ra đột ngột khi bị mất nước, nhiều người tiếc một chút công sức ngồi đợi đã sử dụng đến biện pháp tiếp nước bằng cách dùng xô, chậu đổ vào thùng chứa. Chỉ cần một dòng nước nhỏ chui được vào bảng vi mạch, hiểm họa thật khó lường.

Đặc biệt nếu nhà có trẻ em, tuyệt đối không để chúng chơi đùa bên cạnh máy giặt. Đa số những tai nạn đáng tiếc xảy ra đều do các em tò mò khi tìm cách quan sát quá trình hoạt động của máy.

Cùng ý kiến trên, một doanh nghiệp khác cho biết người dùng không nên cho trẻ nghịch khi máy đang hoạt động, không cho tay vào thùng giặt hoặc thò tay vào đáy máy… Có những gia đình tiết kiệm điện, giặt bằng tay rồi mới cho vào máy để giặt hoặc vắt. Khi đó cần tránh làm nước rớt từ quần áo vào mạch điều khiển gây chạm mạch, hư hỏng làm sai lệch chức năng.

Như đã đưa tin, ngày 25/5, Công an Q.7 (TPHCM) vừa hoàn tất công tác khám nghiệm pháp y và bàn giao thi thể cháu N.M.H. (7 tuổi, ngụ chung cư Bellaza, P.Phú Mỹ) cho gia đình an táng.

Theo Công an Q.7, ngày 15/5 gia đình cháu H. trình báo phát hiện cháu H. chết nằm gọn trong máy giặt, trong tình trạng máy giặt không hoạt động, trong máy không có nước.

Khám nghiệm hiện trường, công an xác định máy giặt này là loại lồng ngang, có cửa bên hông. Cháu H. tử vong là do phù phổi cấp.

Theo Tú Uyên
Pháp luật TPHCM