Vụ 18 bệnh nhân nghi sốc phản vệ: Khó có thể hướng vào tai biến nào!

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) đánh giá, lịch sử ngành thận nhân tạo 45 năm từ khi thành lập đến nay chưa từng xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng như tại Hòa Bình. Đây là bài học cho toàn ngành.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự việc xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo xảy ra sự cố, 7 bệnh nhân tử vong?

Đây là tai biến y khoa nặng, nghiêm trọng chưa từng xảy ra sau 45 năm thành lập ngành chạy thận nhân tạo. Trong y văn thế giới đã có ghi từng xảy ra nhưng từ rất lâu nay.

Xin ông cho biết những nguy cơ thường xảy ra với bệnh nhân chạy thận nhân tạo?

Trong chạy thận nhân tạo có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Các tai biến này thường khá nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử trí chính xác, kịp thời nguy cơ khiến bệnh nhân tử vong rất cao.

TS Nguyễn Hữu Dũng (ngồi giữa) trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải
TS Nguyễn Hữu Dũng (ngồi giữa) trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Như tụt huyết áp trong lọc máu, nếu không phát hiện xử lý kịp thời trong vài phút bệnh nhân có thể tử vong. Hay như tai biến khí vào máu bệnh nhân, chỉ cần khoảng 10ml khí vào máu bệnh nhân có thể gây biến chứng tắc mạnh khó cứu.

Vì thế, để phòng các nguy cơ này, bệnh nhân được trải qua vài chục công đoạn trong lọc máu, được theo dõi chặt từ 3,5 - 4 tiếng đồng hồ trong một lần lọc máu.

Ông đánh giá 18 bệnh nhân trong vụ tai biến khi lọc máu tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình thuộc nhóm tai biến nào trong lọc máu? Nguyên nhân vụ tai biến đã được tìm ra chưa, thưa ông?

Đây là biến cố đồng loạt nên các bệnh nhân đều có biểu hiện rất đa dạng, khó có thể hướng vào tai biến nào. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận đây là sự cố trầm trọng, có những bệnh nhân không may đã không thể qua được, vì thế chúng tôi có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân xảy ra sự việc, xem sự cố xảy ra là ở khâu nào. Đây là bài học cho toàn ngành rút kinh nghiệm, sẽ cố gắng tìm sớm nguyên nhân. Tuy nhiên hiện nay, ưu tiên hàng đầu là tập trung cứu chữa bệnh nhân.

Ông đánh giá như thế nào về hệ thống chạy thận nhân tạo tại các tuyến cơ sở? Tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đơn vị chạy thận nhân tạo có được BV Bạch Mai hướng dẫn kỹ thuật không, thưa ông?

Để thành lập đơn vị thận nhân tạo phải rất công phu, qua nhiều quy trình thẩm định, đánh giá. Khi đã đầy đủ các điều kiện thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo, bệnh viện sẽ cử bác sĩ đi học tại tuyến Trung ương. Khi đã học xong, một êkip của bác sĩ tuyến Trung ương lại về bệnh viện tuyến cơ sở “nằm vùng”, “cùng ăn cùng ở” với các bác sĩ để vận hành thuần thục các kỹ thuật. Khi đưa ra đánh giá bệnh viện tuyến cơ sở làm tốt kỹ thuật này các bác sĩ tuyến Trung ương mới trở về.

Vì thế, với đề án 1816 các bệnh viện tuyến cơ sở đã làm rất tốt kỹ thuật lọc máu cho bệnh nhân suy thận, giúp bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên. Như tại BV Bạch Mai trước đây không biết bao nhiêu “xóm chạy thận”, các máy hoạt động hết công suất vẫn không đủ thời gian, chạy xuyên đêm, vắt sang ngày hôm sau. Nay chỉ phải dừng lại ở ca thứ 4, đến 12 giờ đêm là kết thúc.

10 năm trước khi được thành lập, các bác sĩ của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã học tại BV Bạch Mai. 10 năm qua họ làm rất tốt, không có vấn đề gì. Đây là sự cố đau lòng, hi hữu.

Sẽ rà soát lại quy trình

Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai), sự cố này là đột biến nhất thời chứ không phải hệ thống của thận nhân tạo. Trong 45 năm qua lần đầu tiên có biến chứng nghiêm trọng như thế này, các bác sĩ chưa từng gặp. Vì thế tới đây sẽ rà soát lại tất cả phác đồ, quy trình chạy thận, khư trú vào nhóm nguyên nhân nào để rà soát chuẩn hóa lại, dù đây là quy trình quốc tế đã chuẩn hoá.

Hệ thống thận nhân tạo từ khi được thành lập, đã có nhiều triệu người Việt Nam được chạy thận, duy trì sự sống, với những bệnh nhân đã chạy thận đến 25 năm.

Hồng Hải (ghi)