Thanh Hóa:

Vô tư bán thuốc không cần đơn: Thói quen hay thiếu chế tài nghiêm khắc?

(Dân trí) - Chỉ cần cho biết biểu hiện bệnh, nhân viên bán thuốc có thể kê ngay một loạt thuốc mà không cần đơn thuốc chỉ định của bác sĩ. Tình trạng bán thuốc không cần kê đơn diễn ra tại rất nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Thanh Hóa vì kiểm tra thì "khó" trong khi người dân lại "hưởng ứng".

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BYT sau Quyết định 04/2008/QĐ-BYT ngày 1/2/2008 “Quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú” thế nhưng có lẽ do tâm lý chủ quan, ngại đi khám bệnh và một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ mà thuốc có thể gây ra, nên rất nhiều người dân mỗi khi ốm đau, thay vì đi khám bệnh, thường tự mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của người bán thuốc. Tình trạng mua và bán thuốc không cần đơn của bác sĩ trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đang diễn ra như “chuyện cơm bữa”.

Theo khảo sát của PV tại một số cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn Thanh Hóa, gần như 100% cơ sở bán thuốc cho người dân không cần đơn của bác sĩ. Việc mua bán kháng sinh dễ như “mua mớ rau, con cá” ngoài chợ.

Hầu hết các cơ sở bán thuốc trên địa bàn Thanh Hóa đều có tình trạng bán thuốc không cần đơn
Hầu hết các cơ sở bán thuốc trên địa bàn Thanh Hóa đều có tình trạng bán thuốc không cần đơn

Chỉ trong vài phút “cắm chốt” tại một số nhà thuốc lớn của TP Thanh Hóa, dù đây là những nhà thuốc đã được công nhận đạt JPP nhưng khi chúng tôi có mặt, hầu hết người dân vào mua thuốc đều không có đơn của bác sĩ.

Người dân chỉ cần nói tên thuốc cần mua hay kể ra một vài triệu chứng với người bán thuốc, ngay lập tức, yêu cầu sẽ được đáp ứng với đủ các loại thuốc nội, ngoại khác nhau.

Không chỉ những căn bệnh thông thường như cảm cúm được nhân viên bán thuốc nhanh chóng cắt thuốc không cần đơn mà ngay cả những bệnh cần điều trị bằng kháng sinh như: tràn dịch khớp gối, đau thần kinh liên sườn, đau cột sống….cũng đều được nhân viên bán thuốc đáp ứng bằng hàng loạt thuốc.

Anh Hải, một khách hàng đến mua thuốc cho biết: “Mình đi đá bóng bị trật khớp gối, đến thầy thuốc đông y họ nắn lại khớp nhưng chẩn đoán là bị tràn dịch, mình ra hiệu thuốc nói triệu chứng thì nhân viên ở đây kê cho một loạt thuốc. Mình cũng không biết thuốc gì, chỉ thấy nhân viên nói là kháng sinh uống để tiêu dịch”.

Hay như cô Lê Thị Hà, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cho hay, cô bị chứng bệnh về tim mạch nên thi thoảng hay bị tụt huyết áp. Mỗi lần như vậy, cô lại chạy ra hiệu thuốc gần nhà nói triệu chứng là nhân viên cắt thuốc cho uống. Do một vài lần uống thấy đỡ nên cứ có dấu hiệu bị là cô lại ra lấy thuốc do nhân viên bán thuốc kê.

Để ghi nhận tình trạng mua bán thuốc “dễ như mua rau” ngoài chợ, chúng tôi đến một loạt các hiệu thuốc khu vực gần chợ Nam Thành, hay dọc tuyến đường Quang Trung, Trần Phú, Nguyễn Trãi, không khó để có thể mua những loại kháng sinh cơ bản như: ampicillin, ammoxicilin, cephalexin... dù rằng những loại kháng sinh này trong danh mục quy định của Bộ y tế là loại thuốc muốn mua được cần có đơn của bác sĩ.

Được biết, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.101 cơ sở hành nghề y dược được cấp phép, trong đó có 86 cơ sở bán buôn; 263 nhà thuốc; 2060 quầy thuốc; 530 tủ thuốc trạm y tế; 84 cơ sở bán lẻ thuốc đông y và dược liệu; 78 đại lý bán lẻ thuốc.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Đoàn Dũng Chiến, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở y tế Thanh Hóa cũng thừa nhận rằng, việc mua, bán thuốc không có đơn đang là một trong những vấn đề nóng hiện nay và là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì tỉnh Thanh Hóa.

“Thói quen rất dở của người dân là tự dùng thuốc còn các cửa hàng thì biết rõ việc bán thuốc không có đơn là sai những vẫn làm vì liên quan đến lợi nhuận. Tuy nhiên, cái khó để có thể chấn chỉnh tình trạng này đó là việc chế tài xử phạt quá nhẹ, chỉ 200-500 nghìn đồng cho một lần phạt, vì thế, không đủ sức răn đe. Hơn nữa, quy định của Bộ y tế không thanh kiểm tra quá 1 lần trong 1 năm cùng một nội dung. Không những vậy trước khi xuống kiểm tra, nguyên tắc là phải báo trước nên họ có sự chuẩn bị. Mình có mặt ở đó thì họ lại không bán khi có khách đến mua thuốc mà không mang theo đơn”, ông Chiến cho biết thêm.

Cũng theo ông Chiến thì liên quan đến vi phạm này, trong thời gian vừa qua, Sở cũng có xử phạt nhưng không nhiều, chủ yếu là nhắc nhở.

Ông Chiến cũng khuyến cáo, thuốc là con dao hai lưỡi, việc người dân tự ý dùng thuốc mà không có đơn của bác sĩ là vô cùng nguy hiểm, tình trạng người dân tự dùng thuốc dẫn đến hệ lụy vi khuẩn kháng kháng sinh rất nặng nề.

Bình Minh