Virus SARS-CoV-2 không lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai

(Dân trí) - Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con khi mang thai, hay mẹ nhiễm virus khi mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh.

Dịch bệnh Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra đến nay đã lan ra 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê đến ngày 4/4/2020, toàn thế giới đã có trên 1 triệu người mắc bệnh và trên 59 nghìn người đã tử vong. Hiện nay giới khoa học vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về đặc tính của virus SARS-CoV-2 cũng như chưa tìm ra thuốc đặc trị hoặc vắc xin dự phòng bệnh. Bài viết này nhằm cung cấp cho các phụ nữ đang mang thai và gia đình các thông tin về các biện pháp chăm sóc thai nghén cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Không lây truyền từ mẹ sang con

Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh. Người ta cũng không tìm thấy virus SARS-CoV-2 qua xét nghiệm rau thai, máu cuống rốn, nước ối hay sữa mẹ.

Virus SARS-CoV-2 không lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai - 1

Cũng như các đối tượng khác, đa số phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng.

Ở Trung Quốc, trong số trên 80 nghìn ca mắc Covid-19 mới ghi nhận một phụ nữ mang thai 30 tuần mắc -19 mức độ nặng phải thở máy đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt.

Chưa thấy có sự liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng sảy thai, tuy nhiên cũng có báo cáo cho thấy viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh....

Do vậy vậy để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phụ nữ có thai cần lưu ý các điều sau đây:

Bổ sung vitamin D

Ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, cần thiết cho phụ nữ có thai, bạn cần đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D, một loại vitamin cần thiết cho chuyển hoá canxi, phát triển hệ xương của thai nhi. Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung lượng vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết.

Hạn chế ra khỏi nhà

Phụ nữ có thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất. Bạn chỉ ra khỏi nhà nếu thật cần thiết và cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh, hạn chế chạm tay vào các vật có nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, dụng cụ tập thể dục, thể thao nơi công cộng, ghế ngồi, thiết bị vệ sinh công cộng, cây ATM, vé gửi xe… Bạn có thể lây bệnh nếu tiếp xúc với những đồ vật bị nhiễm virus.

Vận động phù hợp

Phụ nữ có thai rất cần phải luyện tập, vận động thể lực một cách hợp lý. Do phải hạn chế ra ngoài trong mùa dịch, bạn nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với mỗi tuổi thai của bạn.

Vệ sinh sạch sẽ nhà ở và nơi làm việc

Cần mở các cửa sổ để lưu thông không khí trong nhà, các chuyên gia khuyến cáo chỉ số lưu thông không khí ACH cần đạt tối thiểu ở mức 12, tức là khối lượng không khí lưu thông trong 1 giờ phải đạt tối thiểu 12 lần dung tích phòng. Mở cửa sổ còn làm cho phòng có nhiều ánh sáng có tác dụng sát khuẩn và tăng cường tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Nếu không mở rộng cửa số vì lý do thời tiết, bạn có thể sử dụng các loại quạt thông gió nhằm tăng cường lưu thông không khí trong nhà.

Đặc trưng của virus SARS-CoV-2 là lây nhiễm qua giọt bắn của người nhiễm bệnh, qua hắt hơi, ho, nói. Giọt bắn có chứa virus tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, đồ dùng với thời gian khá lâu, đặc biệt là trên các đồ vật bằng kim loại như tay nắm cửa, vòi nước... Do vậy, việc thường xuyên vệ sinh nơi ở bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng hoá chất diệt khuẩn là điều quan trọng.

Ngoài các hoá chất thông thường có chứa xà phòng như nước lau nhà, nước rửa kính, bạn cũng có thể dùng thêm các dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Chỉ nên dùng hoá chất có chứa clo (VIM, GIFT, nước Javen, Cloramin B, Caxi Hipoclorit…) để tẩy rửa bồn cầu (bệ xí) và phải xả thật kỹ bằng nước sạch, không nên sử dụng các hoá chất này để làm sạch những đồ vật khác vì có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.

Khám thai định kỳ

Như trên đã nêu, hạn chế ra ngoài là phương án tối ưu để phòng dịch, tuy nhiên việc đi khám thai định kỳ rất cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh bạn chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thấy thuốc, trừ khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra. Lưu ý chỉ siêu âm khi thật cần thiết vì khi siêu âm bạn có thể lây nhiễm virus nếu đầu dò siêu âm không được khử khuẩn trước khi siêu âm cho bạn.

Khi đến khám, bạn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vị cầu thang…, tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh.

Trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra nước ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ…, bạn cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản. Khi đi cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đã nêu.

Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, phụ nữ có thai cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm cũng có thể gây sốt, ho...

Cuối cùng, nếu cần tìm hiểu thông tin, kiến thức về chăm sóc phụ nữ mang thai, bạn cần liên hệ với cán bộ y tế hoặc tìm hiểu từ những nguồn thông tin chính thống, không nên tìm hiểu và làm theo những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học lan truyền trên mạng xã hội.

BS. Đinh Anh Tuấn