Virus corona mới dễ lây nhất trong một tuần đầu tiên

(Dân trí) - Nghiên cứu mới, sơ bộ cho thấy những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có nhiều khả năng truyền virus nhất trong tuần đầu tiên sau khi bị nhiễm.

Virus corona mới dễ lây nhất trong một tuần đầu tiên - 1

Theo nghiên cứu mới, virus corona mới có khả năng lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một người bị nhiễm virus.

Kể từ tháng 1, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch virus corona mới là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, các chuyên gia quốc tế đã tiếp tục nghiên cứu về loại virus này.

Mục tiêu chính là tìm hiểu đầy đủ về SARS-CoV-2 để cho phép các chuyên gia phát triển các chiến lược phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả nhất.

Tuy vẫn còn nhiều ẩn số, song các nghiên cứu về virus corona mới đã có những bước phát triển nhanh chóng.

Một trong những nghiên cứu gần đây nhất - được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Vi sinh Bundeswehr ở Munich, Klinikum München-Schwabing, Charité Universitätsmedizin Berlin và Bệnh viện Đại học LMU Munich, tất cả đều ở Đức - tuyên bố đã tìm thấy thời điểm khi virus này dễ lây nhất.

Những phát hiện có thể có tác động đến chiến lược chăm sóc

Để tìm hiểu khả năng virus lây lan ở các giai đoạn nhiễm trùng khác nhau và thông qua phương tiện nào, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu bệnh phẩm khác nhau được thu thập từ 9 người nhiễm SARS-CoV-2.

Đây đều là những người đã đến một bệnh viện ở Munich để chẩn đoán và điều trị, và tất cả họ đều biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Tất cả đều là người trưởng thành ở độ tuổi thanh niên đến trung niên, không có bệnh lý nền.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu nước bọt và chất nhầy, cũng như mẫu máu, nước tiểu và phân thu thập ở các giai đoạn khác nhau của nhiễm trùng. Họ đã kiểm tra từng mẫu bệnh phẩm để xem virus có mặt hay không và liệu nó có khả năng lây truyền xa hơn không.

Các mẫu bệnh phẩm từ họng bệnh nhân cho thấy virus lây truyền mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi người đo nhiễm bệnh. Điều này xảy ra với 16,66% mẫu bệnh phẩm ngoáy họng và 83,33% mẫu đờm (nước bọt và chất nhầy).

Các nhà nghiên cứu không thể phân lập được virus trong các mẫu bệnh phẩm mà họ thu thập được sau ngày thứ 8 kể từ khi một người phơi nhiễm với virus.

Trong khi các mẫu máu và nước tiểu không có bất kỳ dấu vết virus nào, các mẫu phân có ARN virus.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể tạo ra virus nuôi cấy từ ARN virus có trong phân, điều này cho thấy đây không thể là một nguồn lây nhiễm.

“Thời gian virus phát tán qua đờm không chỉ có ý nghĩa đối với kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh viện mà còn đối với việc quản lý xuất viện”, các tác giả viết.

Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng trong tương lai, các chuyên gia y tế có thể tránh được tình trạng thiếu giường bệnh bằng cách cho bệnh nhân xuất viện sớm và khuyên họ nên tự cách ly.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh:

“Trong tình huống thiếu giường bệnh tại các khoa bệnh truyền nhiễm, có áp lực phải cho bệnh nhân xuất viện sớm sau điều trị. Dựa trên những phát hiện hiện tại, có thể lựa chọn xuất viện sớm kèm theo cách ly tại nhà cho những bệnh nhân mà triệu chứng đã vượt quá 10 ngày…”.

Cẩm Tú

Theo MNT