Việt Nam "vẽ" lên bản đồ thế giới kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ

Kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương được bình chọn là thành tựu Khoa học và Công nghệ, thành tựu y học xuất sắc nhất năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công phương pháp này.

Chia sẻ về phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ, ThS.BS Phan Hoàng Hiệp - Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), người trực tiếp nghiên cứu ra kỹ thuật mới này - cho biết: Nếu như trước đây, phẫu thuật tuyến giáp chủ yếu là mổ mở - sẹo lớn ở vùng cổ ngực, thì nay với phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ có nhiều ưu điểm như giữ được tính thẩm mỹ bởi vết mổ được giấu đi, chỉ có một sẹo duy nhất kích thước khoảng từ 2 – 3cm, nằm trong hõm nách, không làm thương tổn thêm các vị trí khác, đảm bảo gần như trọn vẹn nhất so với mọi kỹ thuật nội soi khác.

Bên cạnh đó, nhờ phương pháp này, các bác sĩ đi thẳng vào tuyến giáp chứ không cần phải bóc tách rộng ra, chính vì thế tổn thương gây ra sẽ tối thiểu cho bệnh nhân.

Một bệnh nhân mổ tuyến giáp theo phương pháp thông thường sẽ phải nằm viện từ 4 – 6 ngày, còn đối với phương pháp nội soi một lỗ này thì chỉ phải nằm viện từ 3 – 4 ngày, tùy thể trạng người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đỡ đau hơn sau khi mổ, giảm được thời gian điều trị tại bệnh viện, bảo đảm được sức khỏe. Đây cũng là điều mà cả bác sỹ và bệnh nhân đều mong muốn.

Việt Nam thực hiện nội soi tuyến giáp một lỗ lần đầu thành công trên thế giới. Trong y học đã có nhiều phẫu thuật nội soi một lỗ ở các lĩnh vực khác nhau như nội soi ổ bụng, lồng ngực… được các bác sĩ Việt Nam áp dụng rất thuần thục. Tuy nhiên, với nội soi tuyến giáp một lỗ thì đây là lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công.

Phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ đã được bình chọn là 1 trong 10 thành tựu Khoa học và Công nghệ xuất sắc nhất nước Việt Nam năm 2018.

Đây là cuộc bình chọn do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức hằng năm với 19 thành viên tham gia là các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia thuộc ngành, lĩnh vực Khoa học và Công nghệ nhằm mục đích động viên và ghi nhận cống hiến của các nhà khoa học, tập thể các nhà khoa học qua từng năm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo L.H

Lao động