Việt Nam hướng đến ghép mặt người trong tương lai

(Dân trí) - Phó giáo sư Lê Hành, Chủ tịch hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) đánh giá, hiện nay Việt Nam gần như đã làm chủ được những kỹ thuật khó như ghép da mặt, phẫu thuật sọ não, vi phẫu, điều trị bỏng... tương lai có thể là ghép mặt con người.

Tại Hội nghị khoa học Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ toàn quốc 2019 vừa diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phó giáo sư Lê Hành, Chủ tịch hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) đánh giá hiện ngành phẫu thuật thẩm mỹ trong nước đã phát triển ngang tầm khu vực, làm chủ nhiều kỹ thuật, thiết bị hiện đại.

Không chỉ là các kỹ thuật làm đẹp thông thường, các can thiệp thẩm mỹ ngày còn tiến tới những mục tiêu xa hơn, sửa chữa những dị tật, khiếm khuyết, di chứng chấn thương sau tai nạn.

Như mới đây, trường hợp cô gái bỏng axit với gương mặt bị huỷ hoại đã được các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ ở Viện Bỏng Quốc gia dùng kỹ thuật vi phẫu, lấy vạt da 2 cuống vùng lưng để tái tạo hoàn toàn gương mặt. Gương mặt mới dần được tái sinh, thay thế cho gương mặt xẹo chằng chịt, biến dạng do bỏng axit của cô gái.

Việt Nam hướng đến ghép mặt người trong tương lai - 1

Gương mặt cô gái được tái xinh, thay thế những vết chằng chịt do bỏng axit.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng kỹ thuật vi phẫu tái tạo ngay lập tức cho bệnh nhân bỏng axit đem đến thành công hơn cả mong đợi. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên trên thế giới điều trị theo phương pháp này.

Đánh giá về ngành phẫu thuật thẩm mỹ, Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam đang có bước tiến vượt bậc, dù khởi đầu chậm hơn các nước trong khu vực.

Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế hiện có 5 quốc gia hiện đứng đầu về số ca phẫu thuật thẩm mỹ là Mỹ, Brazil, Nhật, Italy và Mexico.

Năm 2018, người Mỹ đã chi hơn 15 tỷ USD cho các dịch vụ làm đẹp, tăng 11% so với năm 2017.

Tuy nhiên, những năm gần đây, châu Á nổi lên là khu vực phát triển ngành công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ nhất, dẫn đầu Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại Việt Nam nhu cầu về phẫu thuật thẩm mỹ cũng ngày càng tăng cao. Không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng có nhu cầu tu sửa sắc đẹp như phẫu thuật mí mắt, nâng cơ ngực, nâng mũi, hút mỡ và cả cấy tóc.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 400 phòng khám, 36 khoa tạo hình thẩm mỹ tại các bệnh viện và 25 bệnh viện thẩm mỹ.

Theo PGS Lê Hành, hiện nay Việt Nam gần như đã làm chủ được những kỹ thuật khó như ghép da mặt, phẫu thuật sọ não, vi phẫu, điều trị bỏng... tương lai có thể là ghép mặt con người. Thẩm mỹ không chỉ bó buộc trong khái niệm làm đẹp mà ngày càng mở rộng trong điều trị các ca bệnh khó, các dị tật bẩm sinh, bỏng...

Việt Nam hướng đến ghép mặt người trong tương lai - 2

PGS Lê Hành đánh giá Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật khó trong thẩm mỹ, điều trị.

Ông Kang Kyong Jin Chủ tịch Hiệp hội Thẩm mỹ Hàn Quốc (KCCS), đánh giá tại hội nghị mang lại ý nghĩa lớn để các bác sỹ Việt Nam và quốc tế cập nhật xu hướng thẩm mỹ nội khoa và ngoại khoa mới nhất; Thảo luận về các yếu tố quan trọng để có kết quả tốt nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ và y học thẩm mỹ; Chia sẻ các phương thức hữu hiệu để phòng tránh và xử lý tai biến, biến chứng trong thực hành thẩm mỹ nội khoa, ngoại khoa chưa từng được công bố.

Ông cũng hi vọng trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ kỹ thuật ghép mặt. Đây là một trong những kỹ thuật được coi là khó nhất trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ.

Trung tướng Mai Hồng Bàng thông tin thêm, ngoài các phương pháp làm đẹp thông thường như nâng ngực, hút mỡ, cắt dạ dày chữa béo phì... tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát triển rất nhiều các kỹ thuật thẩm mỹ chữa trị các dị tật bẩm sinh như khe hở môi vòm, hở sọ mặt, tái tạo các tổn khuyết xương, phần mềm, thần kinh vùng hàm mặt, các kỹ thuật vi phẫu nối bộ phận đứt rời...

Trong hội nghị, giáo sư Lê Hành cũng bày tỏ rất nhiều quan ngại về những cơ sở, cá nhân dịch thẩm mỹ không giấy phép, không được đào tạo bài bản, dẫn đến rất nhiều biến chứng cho khách hàng. Do đó, với cương vị Chủ tịch VSAPS, ông chia sẻ kế hoạch Hội VSAPS sẽ cùng đồng hành với các Hiệp Hội  trong và ngoài nước, tổ chức thường xuyên các chương trình giáo dục không chỉ dành cho bác sĩ mà còn dành cho các chuyên viên thẩm mỹ, nhằm giảm nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra, với mục tiêu đặt sự an toàn sức khỏe của người có nhu cầu thẩm mỹ lên hàng đầu.

Hồng Hải