Việt Nam đối mặt với nhiều bệnh không lây nhiễm gia tăng

(Dân trí) - Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Báo động tử vong do đái tháo đường, tim mạch, ung thư…

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính… Những bệnh này chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và 77% các trường hợp tử vong hằng năm.

Trong năm năm 2016 cả nước có khoảng 549.000 ca tử vong các loại thì có tới 77% là tử vong là do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch (31%), ung thư (19%), đái tháo đường (4%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (6%).

Việt Nam đối mặt với nhiều bệnh không lây nhiễm gia tăng - Ảnh 1.

Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận khoảng 125.000 ca mắc ung thư mới. Ảnh: H.Hải

Tại Việt Nam hiện có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp (chiếm 20% người trưởng thành), trên 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường (chiếm khoảng 4,5% người trưởng thành), trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 ca mắc mới ung thư. Các BKLN là bệnh mạn tính, kéo dài suốt đời và gây tàn phế nặng nề.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế và mất sức lao động mỗi năm. Đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ giới, gây các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

Theo các chuyên gia, với xu hướng toàn cầu hóa, đô thị hóa, thay đổi môi trường và thói quen sống, các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Điển hình là thói quen hút thuốc lá (45,3% nam giới vẫn hút thuốc), rượu bia (77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (44%) nam giới uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực.

Việt Nam đối mặt với nhiều bệnh không lây nhiễm gia tăng - Ảnh 2.

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy hiện vẫn còn 1/3 lười tập thể dục. Ảnh: Hữu Nghị.

Các hành vi nguy cơ sẽ dẫn đến thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu, mỡ máu và tiến triển thành các bệnh không lây nhiễm.

Các BKLN đã và đang làm quá tải tại các bệnh viện, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước do phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Phải quản lý ngay được từ cơ sở

Trong khi các bệnh không lây nhiễm là bệnh mạn tính, dùng thuốc suốt đời, đòi hỏi bệnh nhân được phát hiện sớm, quản lý, chăm sóc lâu dài tại địa phương thì nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được quản lý còn rất thấp.

Điều tra năm 2015 cho thấy gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh, mới có 31% số phụ nữ 30-49 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung, chỉ có 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường và 29% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định. Đối với một số loại ung thư, thống kê cho thấy có tới trên 70% số ca bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn làm cho kết quả điều trị không mang lại hiệu quả cao.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu các dịch vụ phát hiện sớm và quản lý điều trị tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tại trạm y tế xã. Tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở hầu hết các trạm y tế xã, chưa triển khai các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài - là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với bệnh không lây nhiễm.

Đến hết năm 2015, quản lý bệnh tăng huyết áp mới chỉ thực hiện ở khoảng 12% số trạm y tế xã, quản lý đái tháo đường thì vẫn chưa được triển khai ở tuyến xã trong khi quản lý điều trị ung thư và bệnh phổi mạn tính chủ yếu thực hiện ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh của một số địa phương. Đây cũng là lý do chính làm cho số người mắc bệnh được phát hiện và được quản lý điều trị còn ít.

Ngày 02/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm kết nối và thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về bảo vệ, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, gắn với phát triển y tế cơ sở, phòng chống các yếu tố nguy cơ và dự phòng bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó liên quan đến kinh phí. Dù bệnh không lây nhiễm chiếm gần 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong nhưng vẫn chưa được xác định ưu tiên đúng mức trong đầu tư, phân bổ kinh phí. Từ giai đoạn 2012-2015, ngân sách nhà nước cho BKLN chủ yếu từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia y tế, luôn trong tình trạng được phân bổ rất ít và bị giảm liên tục qua các năm.

Với Chương trình sức khỏe Việt Nam sẽ tập trung tăng cường phát hiện sớm người mắc các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch) ngay từ tuyến y tế cơ sở, thông qua theo dõi các chỉ số khối cơ thể (BMI), đo huyết áp, xét nghiệm đường máu tối thiểu 1 lần/năm, phát hiện sớm một số ung thư phổ biến qua khám sàng lọc tại y tế cơ sở và cộng đồng; quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài tại y tế cơ sở và tại cộng đồng…

Hồng Hải