Việt Nam đã sản xuất được thuốc chữa ung thư, thuốc dùng trong ghép tạng

(Dân trí) - Sản xuất thuốc trong nước tăng trưởng bình quân trên 15%; đáp ứng được 234/314 hoạt chất trong Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam. Nhóm thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép....

 

Việt Nam đã sản xuất được thuốc chữa ung thư, thuốc dùng trong ghép tạng - 1

Chấm dứt hiện tượng “sốt” giá thuốc

Thông tin trên được ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Dược với mục tiêu vì người bệnh” diễn ra ngày 9/10 tại Hà Nội. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, cùng nhiều chuyên gia quốc tế về lĩnh vực dược và xây dựng luật ở nhiều quốc gia Châu Âu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Luật Dược năm 2005. Sau 10 năm, Luật Dược đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận và sử dụng thuốc có chất lượng, giá hợp lý. Việc ban hành Luật Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược Việt Nam phát triển, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Dẫn chứng về sự phát triển này, TS Trương Quốc Cường nêu ra con số từ chỗ chỉ có có khoảng 50 cơ sở đạt GMP ASEAN, đến nay, số lượng cơ sở sản xuất thuốc đạt WHO-GMP là 142 cơ sở (với 154 nhà máy), trong đó có một số cơ sở đạt EU-GMP, GMP-PIC/s. Thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân.

Nếu như năm 2005, thuốc sản xuất trong nước có hơn 300 hoạt chất thì đến nay, nhóm thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép....

Đặc biệt, việc thực hiện Luật dược trong 10 năm qua đã chứng minh việc quản lý giá thuốc của cơ quan liên ngành là có hiệu quả; thuốc được cung ứng đầy đủ với chất lượng gắn với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân, không còn hiện tượng “sốt” giá như giai đoạn từ 2005 trở về trước.

“Điều này thể hiện ở việc thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn với chỉ số giá của nhóm hàng dược phẩm thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung, đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu. Không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, bất hợp lý ảnh hưởng tới công tác phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân”, TS Cường nói.

Người dân có quyền sử dụng thuốc tốt, giá hợp lý

Đây là nội dung được quan tâm thảo luận tại Hội thảo. Chia sẻ về vấn đề này, ông Bradley Silcox, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm (Pharma Group), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, cho biết, sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng luật, nghiên cứu thị trường, và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh dược phẩm. Mục tiêu trọng tâm nhất là sửa đổi Luật Dược với mục tiêu luôn đảm bảo quyền sử dụng thuốc chất lượng, giá hợp lý của người dân.

Thực tế các số liệu khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam ở mức  phù hợp so với thế giới và thấp hơn so với các nước trong khu vực. Số liệu khảo sát của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) cho thấy giá thuốc generic tại các cơ sở y tế công lập của Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung quốc tế và ở trong giới hạn được cho là mức giá phù hợp (từ 1-1,5 lần).

Mức chênh lệch của giá thuốc biệt dược so với giá tham khảo quốc tế tại khu vực công lập của Việt Nam nằm trong khoảng trung bình so với số liệu quốc tế. Kết quả khảo sát giá thuốc tại Trung Quốc và Thái Lan cho thấy, giá thuốc trúng thầu tại Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần; giá thuốc thanh toán cho bệnh nhân tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần.

Theo các chuyên gia, trong 10 năm qua, chính sách Nhà nước về lĩnh vực dược đã tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu  về thuốc điều trị của người dân. Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp dược phấn đấu đạt tiêu chuẩn GMP ASEAN đảm bảo “ra lò” các loại thuốc tốt đạt chất lượng nhưng “made in Việt Nam” với giá hợp lý.

Ngoài ra, Luật Dược cũng đã có chính sách cải thiện môi trường đầu tư như cải cách thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, quy định và công khai trình tự, thủ tục, giải quyết thủ tục hành chính. Có thể nói, ngành dược thuộc trong số ít nhóm ngành có thu hút đầu tư nước ngoài cao. Hiện nay có 36 doanh nghiệp FDI  hoạt động về dược tại Việt Nam, trong đó có 31 doanh nghiệp sản xuất thuốc, 04 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc và 01 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Dược 2005 đã bộc lộ một số vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với giai đoạn mới. Vì vậy, Luật Dược (sửa đổi) tập trung vào nghiên cứu, bổ sung những nội dung mới để phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn bày tỏ hi vọng sự phối hợp chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế sẽ góp phần giúp ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi) để Luật trở nên hoàn thiện hơn, phù hợp, gần gũi và dễ đi vào cuộc sống hơn.

Tú Anh