Việt Nam chuẩn bị gì để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2022?

(Dân trí) - Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đợt dịch thứ 4. Những thay đổi chiến lược như phân tầng điều trị, điều trị tại nhà, lập các trung tâm hồi sức tích cực… đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Cuộc chiến với dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài 5 tháng qua đã ảnh hưởng rất nặng nề đến TPHCM và các tỉnh phía Nam. Song nó cũng đã để lại nhiều bài học về vấn đề dự phòng, xét nghiệm, điều trị…, là cơ sở để Việt Nam thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong đó, tỷ lệ tử vong tại TPHCM đã giảm nhiều.

Góp phần trong thành công đó cần phải nói đến chiến lược phân tầng điều trị, sự ra đời của các trung tâm hồi sức tích cực (ICU) và điều trị F0 tại nhà với sự ra đời của trạm y tế lưu động...

Chia tại buổi tọa đàm mới đây trên báo Dân trí, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tại Vĩnh Long. cho biết thời điểm đó là giai đoạn cao điểm, cứ 15-20 phút là có một chuyến xe cấp cứu đi qua.

Việt Nam chuẩn bị gì để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2022? - 1

3 khách mời gồm: PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, PGS.TS Trần Minh Điển, BSCKII Nguyễn Trung Cấp tham gia buổi tọa đàm (Ảnh: Tiến Tuấn).

"Chúng tôi cũng rất lo lắng và căng thẳng. Nhưng nhờ có những chỉ đạo, hướng dẫn rất sát của Bộ Y tế chúng tôi đã bình tĩnh lại để đánh giá tình hình. Chúng tôi đã thành lập trung tâm ICU và xây dựng chiến lược sát với tình hình thực tế và dần dần cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn", PGS Điển nói.

"Mới đây chúng tôi đã có thời gian trở lại trung tâm ICU này và thấy vận hành rất tốt. Cảm xúc của chúng tôi là rất tự hào với đồng nghiệp đã xả thân về nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân và hết sức cố gắng để vượt qua thử thách rất lớn", PGS Điển cho biết thêm.

Theo ông, thời gian qua, tỷ lệ tử vong của Việt Nam chưa thống kê chặt chẽ hết ngay được. Theo con số ban đầu thì cũng tương đương, gần bằng các nước phát triển, so với các nước kém phát triển chúng ta vẫn hơn một bậc. Việt Nam đã chuẩn bị về nguồn lực y tế, cả hệ thống vào cuộc đáp ứng về nhân lực, về ICU, cộng thêm sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, cấp ngành để giảm tỷ lệ tử vong. Với tỷ lệ này, chúng ta cần xem xét chính sách chúng ta đưa ra phù hợp trong từng giai đoạn.

"Tôi thấy chính sách của Chính phủ, Bộ Y tế rất linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với như TPHCM mới đầu không điều trị F0 tại nhà nhưng sau đó đã xây dựng hướng dẫn để điều trị F0 tại nhà. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong đang giữ được ở mức như hiện nay", PGS Điển phân tích.

Việt Nam chuẩn bị gì để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2022? - 2

PGS.TS Trần Minh Điển (bên phải), Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

ICU trở thành cụm từ rất phổ thông và mọi người đều hiểu tầm quan trọng của nó. Trong thời gian tới đấy, chỉ số tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và sẵn có giường ICU là 3 chỉ số để đánh giá khu vực nào đó có trở về trạng thái bình thường mới hay không.

Khi dịch bùng phát trở lại việc sẵn có hệ thống ICU sẽ giúp chúng ta chống dịch hiệu quả với chiến lược 4 tại chỗ. Tuy nhiên với các ICU đòi hỏi rất lớn về cơ sở hạ tầng và con người. Do đó, tùy theo từng địa phương cần có chính sách đặc thù về thành lập ICU và có thể có sự hỗ trợ từ Trung ương. Ví dụ một tỉnh có một triệu dân thì cần có 50-60 giường ICU.

Phân tầng điều trị để tập trung cứu ca nặng

Việt Nam chuẩn bị gì để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2022? - 3

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long và BS Nguyễn Trung Cấp tại buổi tọa đàm.

Để các trung tâm ICU không bị quá tải thì chiến lược phân tầng điều trị cũng đóng một vài trò hết sức quan trọng. Tại các cơ sở điều trị F0, Bộ Y tế đã phân tầng điều trị. Việc phân tầng giúp điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt với các ICU cứu chữa những người thực sự nặng đe dọa đến tính mạng. Từ đó giúp tập trung nguồn lực tốt hơn về thuốc men, nhân lực, máy móc để cứu chữa bệnh nhân tốt hơn.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết về bản, chất tầng thấp với 80% bệnh nhân nhẹ sẽ được bố trí ít thầy thuốc, không cần nhiều kinh nghiệm, việc điều trị chỉ đơn giản là chăm sóc, theo dõi người bệnh.

Tầng 2 cần thầy thuốc và trang thiết bị tốt hơn nhưng không cần quá nhiều như tầng 3.

Tầng 3 là nơi tập trung rất nhiều nhân lực, trang thiết bị, thầy thuốc giỏi. Điều quan trọng nhất của việc phân tầng là các thầy ở tầng 3 có thể hỗ trợ 2 tầng còn lại, nhờ vậy đảm bảo dù ở tầng một, dù rất ít bác sĩ, ít trang thiết bị nhưng vẫn được hưởng lợi từ các thầy thuốc có kinh nghiệm. Nhờ đó, việc vận chuyển bệnh nhân cũng rất trơn tru. Dù số chuyên gia tầng 3 không quá nhiều vẫn có thể bao quát được bệnh nhân trên một địa bàn, một khu.

Chung quan điểm này, PGS Điển cho rằng chiến lược phân tầng là đáp ứng rất kịp thời với tình hình bệnh nhân đông lên, phân tầng rõ nhóm bệnh nhân nhẹ, nặng, vừa, giúp ích công tác điều trị rất nhiều. Lực lượng bác sĩ tham gia chống dịch không phải ai cũng làm được hồi sức vì thế những trường hợp chưa có nhiều kiến thức thì chăm sóc ở tầng một, ở tầng 2 của nhóm bệnh nền cần bác sĩ có chuyên môn tốt hơn với tầng cao nhất, tầng nặng cần tập trung nguồn lực, trang thiết bị.

Nếu chúng ta làm tốt tầng ICU giảm được tỷ lệ tử vong. Nếu một đơn vị lẫn cả 3 tầng thì sẽ rất khó cho lực lượng điều phối. Tầng 2 cũng rất quan trọng phải có người nhận định được tình hình nặng, vẫn phải có thiết bị cấp cứu phù hợp.

Theo bác sĩ Cấp, thách thức lớn nhất chính là phát hiện dấu hiệu chuyển biến nặng bệnh nhân để kiểm soát. Với bệnh nhân Covid-19 diễn biến khá là nhanh từ lúc bắt đầu nặng cho đến xấu đi. Nếu có những xét nghiệm để theo dõi thì có thể phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng kiểm soát sớm. Nếu làm được vậy thì sẽ giảm tỷ lệ diễn biến nặng nhiều. Nếu tình trạng viêm phổi quá nặng ta phải "leo thang" lên các biện pháp mạnh mẽ hơn như ECMO.

Chiến lược chống dịch hướng đến trạng thái "bình thường mới"

Chia sẻ về chiến lược chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong năm 2022, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: "Trước hết phải nói là không ai tiên lượng được dịch diễn biến theo hướng nào. Có thể thấy trong giai đoạn vừa rồi có nhiều đợt dịch. Đến lúc này tình hình dịch đang đi xuống. Có thể nói đợt dịch thứ 4 vừa rồi là một thách thức vô cùng lớn của Việt Nam và nó tôi luyện cả hệ thống y tế và người dân. Từ việc này giúp cho kinh nghiệm, tính tự giác trong dự phòng nâng lên một tầm mới".

Việt Nam chuẩn bị gì để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2022? - 4

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng không ai tiên lượng được dịch diễn biến theo hướng nào song đợt dịch thứ 4 đã tôi luyện cho cả hệ thống y tế và người dân. 

Theo ông, trong giai đoạn vừa qua mô hình cung cấp dịch vụ đã được nâng cấp, rồi vấn đề chúng ta tìm ra phương án thế nào để giảm tử vong đó là những thành công lớn.

"Tôi hy vọng với những kinh nghiệm như vậy khi đợt dịch mới xảy ra chúng ta sẽ không bị động. Đặc biệt chúng ta có sự hỗ trợ rất lớn của vaccine. Tôi tin rằng chúng ta có thể chung sống với Covid-19", PGS Long chia sẻ.

Tương tự với mô hình điều trị tại nhà, việc áp dụng là tùy vào từng hoàn cảnh, diễn biến dịch của địa phương. Quan điểm đầu tiên là khi bị nhiễm, chúng ta có cơ sở điều trị tập trung là lý tưởng nhất. Trong trường hợp các cơ sở thu dung không đủ thì phải tính phương án điều trị F0 tại nhà.

"Chúng tôi đã trao đổi với các địa phương, ngoài 10 địa phương đã triển khai trạm y tế lưu động thì có 35 địa phương khác đã xây dựng kế hoạch sẵn, trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng. Ngoài ra cần lưu ý phương án về nhân lực, trang thiết bị, thuốc. Nếu chăm sóc F0 tại nhà cần lưu ý chăm sóc y tế, tránh lây nhiễm và an sinh", PGS Long nói.

Đồng tình với ý kiến, BS Cấp cho biết các vấn đề về điều trị F0 triển khai mô hình nào thì phụ thuộc vào thực trạng dịch tại địa phương. Như ở TPHCM thời điểm đó có quá nhiều F0 nên chúng ta đã triển khai điều trị tại nhà để giảm tải hệ thống y tế. Những nơi mà áp lực F0 không quá nhiều thì vẫn duy trì chiến lược điều trị tập trung.

Ngoài trạm y tế lưu động, còn có cả tổ y tế cộng đồng, những mô hình này rất sáng tạo và linh hoạt ví dụ trạm y tế lưu động cho khu vực đông dân cư cho KCN, khu nhà máy. Những mô hình này có thể áp dụng tốt cho các tỉnh khác.

Việt Nam chuẩn bị gì để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2022? - 5

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, điều quan trọng nhất là phát hiện sớm dấu hiệu bệnh chuyển nặng can thiệp kịp thời. 

Với việc điều trị tại nhà, BS Cấp lưu ý việc bệnh nhân điều trị tập trung hay tại nhà đều có nguy cơ diễn biến nặng. Nếu điều trị tại nhà đảm bảo được việc theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân phát hiện các diễn biến nặng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Với điều kiện điều trị tại nhà có thể dựa vào một số biểu hiện cảnh báo. Các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, hụt hơi, ăn uống kém, thở nhanh, sốt cao liên tục thì cần giám sát chặt chẽ. Trong tổ y tế cộng đồng đều được trang bị đầy đủ máy đo spO2, tại các gia đình cũng có nhiều gia đình trang bị loại máy này và có thể kiểm tra SpO2 để xác định phần nào tình trạng của bệnh nhân.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4