Viêm xương sau khi châm cứu chữa đau chân

(Dân trí) - Sau khi châm cứu, anh T.V.S bị đau nhức liên hồi và sốt cao. Chuyển đến bệnh viện 175 (TPHCM), bác sĩ phát hiện anh bị nhiễm khuẩn huyết và tổn thương gan nặng, phải chăm sóc đặc biệt.

Ngày 20/2, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, khoa Hồi sức tích cực (A12) cho biết khoa đang điều trị cho bệnh nhân T.V.S (38 tuổi, đến từ Bình Phước), sức khỏe nguy kịch sau khi châm cứu.
 
Anh T.V.S. đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện 175 (TPHCM)
Anh T.V.S. đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện 175 (TPHCM)

Vợ bệnh nhân cho biết anh S. bị đau lưng từ lâu, dịp tết vừa qua lại thêm đau chân trái. Anh S đã khi đi phòng mạch tư chích thuốc giảm đau không đỡ, nghe mọi người đoán anh bị đau thần kinh tọa nên chị đưa anh đi châm cứu.

2 giờ đồng hồ sau khi châm cứu, anh S. đau nhức liên hồi và sốt cao, phải chở đi nhập viện tại TPHCM. Vợ anh S. kể lại: “Đó là một người chuyên châm cứu, không thấy bán thuốc tây hay thuốc đông y gì kèm theo. Không biết ổng có phải là bác sĩ hay không nhưng tui thấy người ta tới đó châm cứu đông lắm. Kim châm cứu cũng là kim mới lấy ra, không hiểu sao lại ra cớ sự này”.

Bác sĩ Tuấn cho biết sau khi nhập viện, anh S. được làm các xét nghiệm kiểm tra, phát hiện nhiễm trùng máu do viêm xương, viêm tủy xương tại đầu trên xương đùi trái, có thể do châm cứu gây ra. Nhiễm trùng máu kéo theo tổn thương gan nặng, cơ thể sốt cao và suy kiệt.

Hiện anh S. đang được dùng kháng sinh mạnh, thuốc giảm đau, truyền máu, huyết tương và nâng đỡ thể trạng. Sau 10 ngày nằm viện, dù bệnh tình còn nặng nhưng sức khỏe anh T.V. S. đã có cải thiện tốt.

Qua sự việc này, các bác sĩ đưa ra lời khuyên: châm cứu có tác dụng tốt trong điều trị một số loại bệnh, nhưng nếu không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro, tai biến. Để châm cứu đạt hiệu quả và an toàn, người bệnh chỉ nên đến bệnh viện, cơ sở y tế được xác nhận của Bộ Y tế.

Hồng Nhung