Vì sao trò chuyện sẽ chữa được trầm cảm?

(Dân trí) - “Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện” là chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay. Vậy vì sao trò chuyện lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy với người có nguy cơ và người đã bị trầm cảm.

Vì sao trò chuyện sẽ chữa được trầm cảm? - 1

Stress - Thủ phạm chính gây trầm cảm

Theo bà Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Tổ chức BasicNeeds Việt Nam, xã hội càng phát triển thì nguy cơ mắc trầm cảm càng cao, ai cũng có thể mắc bệnh nhưng thường gặp nhất ở nhóm đối tượng trẻ em – thanh thiếu niên, người già và phụ nữ sau sinh.

Những áp lực trong công việc, học hành, gia đình và cả những áp lực trong giao thông đã gây ra stress. Khi stress kéo dài sẽ gây ra trầm cảm.

Khi đó, người bị trầm cảm sẽ có biểu hiện buồn bã dai dẳng, buồn bã đến mức ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống khi không thể làm việc, học hành do lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản, trống rỗng, vô vọng. Dần dần, họ không còn hứng thú gì, mất hết hứng thú ngay cả với những điều họ đã từng rất thích trước đây.

Ngoài ra, người trầm cảm còn có cảm giác bi quan, tội lỗi, mất tập trung, giảm khả năng ghi nhớ, thay đổi trong thói quen sinh hoạt (như thức giấc sớm, khó ngủ hoặc ngủ rất nhiều; ăn ít hoặc ăn quá nhiều), cảm giác bồn chồn, cáu gắt và nguy hiểm nhất là suy nghĩ muốn tự sát vì thấy mình không có ý nghĩa gì với mọi người xung quanh, thấy mình vô dụng…

Cần lưu ý, các biểu hiện trên phải kéo dài trên 2 tuần mới được coi là trầm cảm và cần sự can thiệp. Còn dưới 2 tuần thì được coi là có nguy cơ cao và cần theo dõi.

Vì sao trò chuyện sẽ chữa được trầm cảm? - 2

Trò chuyện – “Cánh cửa” cứu người trầm cảm

Trò chuyện – “Cánh cửa” cứu người trầm cảm

TS.BS Lại Đức Trường, cán bộ phụ trách bệnh không lây nhiễm và các vấn đề tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: "Trầm cảm là 1 rối loạn tâm thần nhưng trước nay hiểu chưa đúng và nguyên nhân là do chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ tập trung vào nhóm bệnh nhân tâm thần phân liệt, vốn chỉ chiếm 0,5% người mắc rối loạn tâm thần".

Theo đó, để điều trị bệnh trầm cảm cần phối hợp 3 giải pháp: cùng trò chuyện (liệu pháp tâm lý) - dùng thuốc và kết hợp cả 2 liệu pháp trên.

Còn theo bà Thanh Tâm, trầm cảm là một bệnh trong 300 loại bệnh tâm thần và bệnh này hoàn toàn có chữa được khi kết hợp 3 mảng can thiệp: tâm lý (trò truyện), xã hội (truyền thông, hỗ trợ xã hội), sinh học (thuốc).

Trong đó, trò chuyện sẽ mở ra cánh cửa đầu tiên để cứu người trầm cảm. Bởi trò chuyện sẽ mang lại sự cảm thông, tin tưởng, chia sẻ và giúp phát hiện ra người có nguy cơ bị trầm cảm từ đó giúp người bệnh giải tỏa kịp thời hoặc có hướng hỗ trợ, điều trị sớm và phù hợp với người đã bị trầm cảm ở các mức độ khác nhau.

Bà Thanh Tâm dẫn chứng, với một người phụ nữ bị trầm cảm tự ti mình không là một người vợ, một người mẹ tốt thì thông qua trò truyện, sẽ dần dẫn dắt họ từng bước vượt qua các vấn đề của họ. Ngay lập tức không thể từ một phụ nữ thu mình, mệt mỏi và chăm sóc bản thân mình cũng không tốt thành một người nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ nhưng ta có thể cùng bệnh nhân lập kế hoạch để lấy lại những hứng thú trước đây từng có, có thể là cùng nhau lên lên kế hoạch đi cắt tóc, rồi tiến tới chọn lựa trang phục, tham gia vào các hoạt động đã từng có hứng thú trước đây… để dần dần người bệnh tìm lại được niềm vui sống.

Khi người bị trầm cảm không cô đơn, tâm lý của họ sẽ nhẹ đi rất nhiều – hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị tiếp theo.

Bà Thanh Tâm cũng cho biết, người trầm cảm sợ nhất là bị điên trong khi trầm cảm là một rối loạn tâm thần dạng phổ biến, nhiều người mắc, còn từ ‘điên’ trong dân gian thực chất là để chỉ bệnh loạn thần, một rối loạn nặng ít gặp hơn rất nhiều. Do đó, việc người trò chuyện giúp người bệnh hiểu rằng họ không hề điên và vấn đề của họ nhiều người khác cũng gặp phải là rất quan trọng.

Đặc biệt, bà Tâm nhấn mạnh vai trò của người thân. “Người nhà là hiểu bệnh nhân nhất vì hàng ngày tiếp xúc. Ngay cả khi người nhà không có nhiều kiến thức nhưng có nhiều sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ thì đã là liều thuốc giảm đau cho tinh thần của người bệnh”, bà Tâm nói.

Cùng quan điểm, BS Đức Trường khẳng định, có người lắng nghe những giãi bày, những băn khoăn, lo lắng và đưa ra những lời khuyên cũng như chuyển đến cơ sở y tế là rất quan trọng.

BS Trường dẫn chứng, ở các nước phát triển, khi gia đình không thể hỗ trợ người có rối loạn tâm lý, họ sẽ đưa người bệnh đến gặp chuyên gia tâm lý nhưng ở Việt Nam lĩnh vực này còn rất mới mẻ.

Trên thực tế, cho đến nay chuyên gia tâm lý chưa thực sự được xem là một nghề và trong lĩnh vực đào tạo, tâm lý lâm sàng còn chưa có mã ngành.

Xóa bỏ kỳ thị với người bệnh trầm cảm

TS.BS Đức Trường cho biết: WHO lấy "Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện" làm chủ đề của ngày Sức khỏe thế giới năm nay vì 3 lý do: Thứ nhất trầm cảm đã là vấn đề y tế toàn cầu với 300 triệu người mắc trầm cảm. Thứ 2 hiện có sự kỳ thị với người trầm cảm; thứ 3 là liệu pháp chữa trị có sẵn, hiệu quả nhưng số người được tiếp cận rất thấp, dưới 50%.

Trên thực tế mặt bằng chi cho rối loạn tâm thần ở các nước đang phát triển chỉ là 25 cent (chưa đến 6.000đồng)/người. Trong khi đó, nghiên cứu đã chứng minh bnếu bỏ 1 đồng cho sức khỏe tâm thần sẽ thu 4 đồng vì sẽ không bị mất thời gian khám bệnh, không mất thời gian nghỉ làm, năng suất lao động kém do bệnh tật.

Do đó, cần tăng cường nguồn chi cho rối loạn tâm thần, hướng tới giảm nghèo đói, không có xung đột, bạo lực, có nơi luyện tập thể dục thể thao. Đặc biệt, cần truyền thông rộng rãi, xóa bỏ kỳ thị với người trầm cảm cũng như để mọi người hiểu rõ là trầm cảm có thể chữa trị được và đặc biệt cần cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần thuận lợi sao cho mỗi bệnh viện chuyên khoa sâu như lão khoa, sản khoa, ung thư… các bác sĩ đều có hiểu biết về triệu chứng và điều trị bệnh này.

Theo kế hoạch, đợt vận động Trầm cảm – Hãy trò chuyện sẽ diễn ra trong 1 năm. WHO sẽ hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào sức khỏe nói chung.


Trần Phương

(Email: tranthuphuong@dantri.com.vn)