Vì sao có thể tử vong khi hút mỡ bụng?

(Dân trí) - Theo chuyên gia thẩm mỹ hút mỡ bụng là thủ thuật tương đối an toàn song điều kiện là phải được thực hiện tại bệnh viện. Trường hợp tử vong có thể do ngộ độc thuốc tê hoặc sốc phản vệ.

Trong vài năm trở lại đây, hút mỡ là một trong những dịch vụ thẩm mỹ được ưa chuộng. Dịch vụ này cũng được quảng cáo rầm rộ trên mạng: “hút mỡ bụng không phẫu thuật”, “hút mỡ an toàn, không đau”, “chi phí thấp”, “nhanh chóng”… 

Tuy nhiên, sự việc người đàn ông 44 tuổi tử vong sau khi hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 27/12 khiến nhiều người không khỏi lo lắng. 

Vì sao có thể tử vong khi hút mỡ bụng? - 1

Một người đàn ông tử vong sau khi hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn. Ảnh: Minh Nhật.

Theo TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguyên nhân tử vong có thể do sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê. 

Theo ông, hút mỡ là thủ thuật thẩm mỹ tương đối an toàn. Thế giới cũng dùng kỹ thuật này, bất cứ vị trí nào có mỡ thừa đều có thể hút như hút mỡ ở bụng, đùi, tay, mặt, cằm… 

“Tuy nhiên, hút mỡ bắt buộc phải làm tại bệnh viện, nơi có đủ các điều kiện đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, bác sĩ gây mê, cấp cứu…, không được phép làm tại phòng mạch, phòng khám thẩm mỹ, càng không được phép làm tại các viện thẩm mỹ, spa. Ngoài ra, người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có chứng chỉ, đã qua lớp đào tạo về hút mỡ bụng”, TS Thọ nhấn mạnh. 

Sau khi bệnh nhân được gây tê/gây mê, bác sĩ sẽ đưa dung dịch hút mỡ vào vùng cần hút. Dung dịch này làm trương lớp mỡ này lên, dưới áp lực làm tan mỡ sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng để hút lượng mỡ này ra. Dung dịch này thường gồm nước muối, thuốc tê, thuốc cầm máu... giúp tách lọc mỡ, cầm máu, giảm đau. 

Tùy theo lượng mỡ và vùng cần hút mỡ mà áp dụng gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, có thể gây tê vùng như gây tê ngoài màng cứng trong một số trường hợp. Thông thường hút mỡ vùng lớn như bụng, đùi bệnh nhân sẽ được gây mê. 

Theo TS Thọ rủi ro khi làm thủ thuật này có thể liên quan đến thuốc tê. Khi hút mỡ bụng, bệnh nhân được bơm lượng thuốc tê rất nhiều vào cơ thể. Gần đây giới chuyên môn chú ý nhiều đến ngộ độc thuốc tê. Ngộ độc thuốc tê thường do dùng vượt quá liều tối đa cho phép, hay do nồng độ thuốc tê tăng cao đột ngột trong máu. 

“Hiện nay có một quan niệm khác là không phải cứ quá liều thuốc mới gọi là ngộ độc, mà ngộ độc thuốc tê giống như ngộ độc rượu- liên quan đến ngưỡng chịu đựng của từng người. Ví dụ có người uống cả chai rượu không say, nhưng có người uống vài ngụm đã say bí tí. Tương tự với thuốc tê, vấn đề này nằm ngoài dược điển, không phải chỉ đơn thuần là tính toán liều dùng trên cân nặng đã là an toàn”, TS Thọ phân tích. 

Cũng theo ông ngộ độc thuốc tế và sốc phản vệ có biểu hiện khá giống nhau nhưng cách cấp cứu lại khác nhau. 

Thực tế, ở nước ta nhiều ca tai biến nghiêm trọng xảy ra liên quan đến gây tê mà nguyên nhân vẫn bị ngộ nhận là sốc phản vệ. Thực tế sốc phản vệ do thuốc tê là rất hiếm gặp. Ngộ độc thuốc tê mới là nguyên nhân chính gây ra những tai biến đó. 

Theo BS Hoàng Tuấn, chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ khi thực hiện hút mỡ, kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ gây mê rất quan trọng. Nếu tiêm thuốc quá nhanh sẽ dẫn đến không xử lý kịp. Theo đó, nên đưa thuốc vào từ từ, khi bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, cần dừng ngay, khi đó lượng thuốc vào cơ thể ít, dễ xử lý hơn.

Phương pháp hút mỡ thường chỉ áp dụng với người có cân nặng không vượt quá cân nặng chuẩn 10-12kg. Ngoài ra những người hút mỡ cũng cần có sức khoẻ tốt, da có độ đàn hồi tương đối tốt, tốt nhất ở lứa tuổi dưới 35. Người thực hiện không mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, dị ứng với thuốc tê...

Hút mỡ cũng có thể gây tử vong, nhưng rất hiếm với tỷ lệ khoảng 3/100.000 ca.

Trước đó, chiều ngày 27/12, cơ quan chức năng nhận được thông tin về một trường hợp tử vong sau khi hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (Cầu Giấy, Hà Nội). Nạn nhân sinh năm 1976, quê ở Vĩnh Phúc. Theo Sở Y tế Hà Nội, đây là cơ sở thẩm mỹ chỉ được phép làm các dịch vụ làm đẹp như phun, xăm thẩm mỹ, chăm sóc da…, không được phép hút mỡ bụng.

Theo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, kíp cấp cứu đã cố hết sức cứu nạn nhân (hồi sức 45 phút) nhưng không được. Nạn nhân đã chết trước khi lực lượng cấp cứu của 115 đến. Hiện cơ quan công an đã vào cuộc. 

Trước đó, Quận Cầu Giấy đã tiến hành kiểm tra thẩm mỹ này và xử phạt hành vi quảng cáo quá phạm vi. Tuy nhiên thời điểm kiểm tra không phát hiện hành nghề quá phạm vi cho phép (các dịch vụ khám chữa bệnh). 

Nam Phương