Vén “bức màn chết chóc” sau nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ tử vong

(Dân trí) - Thay vì xem bệnh nhân là khách hàng, nhiều cơ sở thẩm mỹ đang nhìn bệnh nhân như món hàng, dùng mọi thủ đoạn để móc được nhiều tiền nhất từ túi của họ. GS Lê Hành đã chỉ ra những gian dối nguy hiểm sau bức màn trong phòng mổ.

Sau những bê bối trong lĩnh vực phẫu thuật thẫm mỹ khiến 3 trường hợp tử vong, nhiều ca bệnh phải gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi tai biến, PGS.TS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này.

Ông cho hay: “Với tư cách của người hành nghề, tôi cho rằng để tuân thủ mọi quy trình của ngành y tế đặt ra thì không phải là chuyện dễ đối với bác sĩ. Nhưng khi theo đúng được quy trình thì người hành nghề và cả bệnh nhân sẽ được an toàn. Trong ngành y thì tai biến, biến chứng chắc chắn sẽ xảy ra, nếu một bác sĩ nào đó nói rằng không bao giờ gây ra biến chứng cho người bệnh thì có 2 việc một là anh nói láo hai là anh không làm gì cả”.

Vén “bức màn chết chóc” sau nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ tử vong - 1

Hầu hết các Spa hiện nay đang thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ có xâm lấn gây nguy hiểm cho người bệnh

Khi tai biến xảy ra, nếu bác sĩ thực hiện theo đúng quy trình, hồ sơ bệnh án thể hiện sự đúng đắn, đầy đủ thông tin trong khám chữa bệnh thì chính bác sĩ sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ và nhận được sự đồng cảm để vượt qua tai biến. Quy trình ngành y tế đặt ra không phải để chơi mà là để tuân thủ, thực hiện nhằm tránh rủi ro bảo vệ an toàn cho bệnh nhân, an toàn cho bác sĩ và an toàn cho cơ sở cung cấp dịch vụ. Nếu bác sĩ không theo đúng quy trình thì “án tại hồ sơ” sẽ là bằng chứng chỉ ra lỗi của người hành nghề và các bên liên quan.

PGS Lê Hành cho rằng, người bác sĩ hành nghề nói chung và nghề thẩm mỹ nói riêng nếu muốn an toàn thì phải học tập chuyên môn đầy đủ; theo đúng quy chế hành nghề từ khi tiếp nhận bệnh đến khi bệnh nhân ra viện; tuân thủ y đức - y luật; gắn bó với người bệnh để nắm rõ tình trạng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế, bác sĩ thẩm mỹ đang xem nhẹ người bệnh, thời gian gặp bệnh nhân quá ít. “Bệnh nhân một mí hả, giờ muốn cắt 2 mí? Cái này cắt dễ lắm, giá cả đây… chỉ có vậy là đưa vào phòng mổ. Hoặc bệnh nhân muốn đặt túi ngực, tư vấn vài câu, làm giá xong thì đưa vào phòng mổ làm roẹt roẹt rồi cho về. Quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân quá sơ sài nên bác sĩ không nắm được tình trạng của bệnh nhân, không hiểu được bệnh tình, tâm lý của họ, nguy cơ rủi ro cho người bệnh vì thế sẽ cao hơn” – PGS Lê Hành chia sẻ.

Trong ngành y hiện nay, lĩnh vực thẩm mỹ ngoài y khoa ra còn là ngành kinh tế, ở đó bác sĩ là người làm tiền, kiếm tiền. Những cơ sở thẩm mỹ trước đây thường do các bác sĩ có chuyên môn tự bỏ tiền ra và phụ trách chính phòng khám hoặc cơ sở thẩm mỹ của mình nên chuyên môn và trách nhiệm được xem trọng. Hiện nay phía sau các bác sĩ là những người tài trợ đại gia có rất nhiều tiền, họ thuê mướn người có chuyên môn để mở bệnh viện phục vụ mục đích kinh tế. Do đó, thay vì chuyên môn, trách nhiệm thì lợi nhuận là yếu tố hàng đầu đã khiến lĩnh vực thẩm mỹ trở nên chệch hướng. Bác sĩ không còn xem người bệnh là con bệnh để đi theo hướng chữa bệnh (chữa ngoại hình của người bệnh, xoa dịu, làm lành những tổn thương trong tư tưởng bệnh nhân để họ có đời sống tự tin) mà việc chữa bệnh là để kiếm tiền.

Vén “bức màn chết chóc” sau nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ tử vong - 2

PGS.TS Lê Hành đã chỉ ra "căn bệnh nguy hiểm" ngành thẩm mỹ đang phải đối mặt (ảnh: Phong cách Doanh Nhân)

Nhận định của PGS Lê Hành cho thấy, trong thời gian qua, những người hành nghề không phép đang gây ra nhiều biến chứng hơn so với những người hành nghề đã được cấp phép. “Nhóm những người hành nghề không an toàn dù chẳng có chuyên môn, không ai cấp phép cũng chích thuốc, cũng mổ xẻ. Hiện nay, trong đa số các Spa đều có mổ xẻ, nếu không có mổ xẻ thì tiêm (đều là những kỹ thuật có xâm lấn - PV) rất nhiều. Những biến chứng đang chủ yếu xảy ra ở nhóm không có giấy phép hành nghề, muốn kiểm soát được nhóm này thì phải có giải pháp kiểm soát được quảng cáo. Nếu không kiểm soát được quảng cáo, thị trường thẩm mỹ sẽ còn nhiều rối loạn”.

GS Lê Hành còn chỉ ra thực tế nguy hiểm khác: “Nhiều người không có chuyên môn gì cả mà tự nhiên trở thành một siêu sao mổ, không học hành gì hết trở thành bác sĩ, không hề là bác sĩ mà trở thành giảng viên đứng ra đào tạo mổ, dạy tùm lum tà la. Thậm chí, có những người chưa là bác sĩ, đang còn ngồi mài đít trên giảng đường nhưng ra khỏi trường thì vỗ ngực tự xưng là giáo sư 25 năm kinh nghiệm ở đại học Hàn Quốc... Đây là điều rất kinh khủng và nguy hiểm cho tính trung thực của ngành cũng như những bước tiến của người hành nghề, khi tôn ti trật tự của ngành y bị chà đạp thì an toàn người bệnh sẽ ở mức báo động”.

Qua những trường hợp tử vong vừa qua cho thấy, các bệnh viện không hẳn đã an toàn về mặt gây mê, hồi sức, không an toàn về mặt hồ sơ bệnh án, theo dõi bệnh nhân cần phải kịp thời chấn chỉnh. Nhưng điều quan trọng nhất đối với lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là cần xem bệnh nhân như một khách hàng thì khi đó khách hàng là thượng đế để bác sĩ mang tâm huyết giúp họ, đừng xem bệnh nhân là món hàng để tìm mọi cách moi móc kiếm lời trên thân thể của họ.

Vân Sơn (lược ghi)