Vaccine trị ung thư: Tiềm năng và thách thức?

(Dân trí) - Ung thư là nhóm bệnh gây tử vong đứng thứ hai sau bệnh tim mạch. Do đó, phòng ngừa và điều trị ung thư đang là mối quan tâm lớn không chỉ của ngành y tế, mà cả cộng đồng xã hội.

Ngoài ba phương pháp kinh điển là phẫu thuật, hóa trị, và xạ trị, liệu pháp miễn dịch là phương pháp thứ tư đang được nghiên cứu phát triển. Trong liệu pháp miễn dịch này, vaccine là hướng chủ động, sớm, đặc hiệu và nhiều hứa hẹn nhất.

Vaccine trị ung thư: Tiềm năng và thách thức? - 1
TỔNG QUAN VỀ VACCINE

Lai lịch danh tên

Vaccine được Bác sĩ Edward Jenner (1749-1822), Anh, đặt tên cho thuốc chủng đậu mùa (small pox) do ông phát minh sau 20 năm nghiên cứu.

Số là, quan sát thấy người vắt sữa bò sau khi mắc đậu bò (cowpox) sẽ không bao giờ mắc bệnh đậu mùa (smallpox), Bác sĩ Edward Jenner lấy một số mủ từ tay của một cô gái vắt sữa bị mắc đậu bò đưa vào da chú bé James Phipps, số lượng mủ tăng dần dần. Sau đó ông cố tình cho Phipps lây bệnh đậu mùa. Bệnh phát ra nhưng lành nhanh ngay sau đó và chẳng để lại sẹo di chứng nào. Vì bệnh đậu bò và “thuốc” chủng ngừa đậu mùa đều có liên quan đến con bò cái, vacca, theo tiếng La tinh, nên từ vaccine (thuốc chủng) ra đời từ đây.

Vaccine là gì? Các loại vaccine?

Khi một vi sinh vật lạ, kháng nguyên, xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được "báo động" và "lưu giữ" lại thông tin vật lạ. Các thông tin này sẽ kích hoạt bạch cầu lympho B sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu để chống lại đúng các vi sinh vật lạ đã xâm nhập.

Vaccine, thuốc chủng, là vật phẩm chứa vi khuẩn, vi rút đã chết hoặc bị giảm độc lực, thậm chí là những protein bề mặt nhưng còn có tính kháng nguyên để những tế bào của hệ thống miễn dịch nhận diện được và tạo miễn dịch dịch thể (kháng thể) hoặc miễn dịch tế bào (ký ức) để chống lại yếu tố ngoại lai.

Tùy theo cách sản xuất, có 5 dạng vaccine thông dụng: Vaccine sống, giảm độc lực; Vaccine bất hoạt (inactivated vaccines); Vaccine độc tố (toxoid vaccines); Vaccine thành phần (subunit vaccines); và Vaccine liên hợp (conjugate vaccines).

Vaccine hoạt động thế nào?

Sau khi được tiêm hay uống, vaccine với vai trò là kháng nguyên sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch đáp ứng miễn dịch, tổng hợp kháng thể đặc hiệu chống lại các vật lạ xâm nhập sau này.

Vaccine trị ung thư: Tiềm năng và thách thức? - 2

Có thể ví von, việc tiêm chủng vaccine là cuộc tập trận giúp hệ thống miễn dịch nhận diện và chống lại sự xâm nhập lần sau của các tác nhân có đặc tính tương tự vaccine được tiêm chủng. Và cũng như cuộc tập trận, càng tiêm chủng nhắc đi nhắc lại thì khả năng miễn dịch, lượng kháng thể tạo ra càng nhiều, tác dụng ngừa kháng bệnh càng cao.

VACCINE TRỊ UNG THƯ

Tổng quan

Người khỏe mạnh, mỗi ngày cơ thể cũng phát sinh 5 đến 6 ngàn tế bào đột biến, dị dạng. Nhờ hệ thống miễn dịch tấn công, tiêu diệt các tế bào này không thể phát triển thành tế bào ung thư. Do đó, suy giảm chức năng miễn dịch cũng là một yếu tố nguy cơ khiến ung thư cho con người. Và liệu pháp "vaccine ung thư" nhằm mục đích loại bỏ các tế bào ung thư thông qua việc kích hoạt và tăng cường khả năng tấn công chống lại các tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch.

Khác với tế bào khỏe mạnh, trên bề mặt các tế bào ung thư có một số phân tử cấu tạo nhất định gọi là “kháng nguyên đặc hiệu ung thư”. Vaccine điều trị ung thư thường được chiết trích từ khối u có các kháng nguyên đặc hiệu này, lại được tăng cường với tá dược hỗ trợ, được tiêm vào người để kích thích miễn dịch. Các tế bào miễn dịch đuôi gai (dendritic cells) sẽ nhận diện các tế bào ung thư và khởi động quá trình thực bào, rồi chuyển chuyển thông tin “ung thư” đến các tế bào lympho, để các tế bào này tấn công tiêu diệt các tế bào ung thư.

Một số vaccine ung thư được điều chế cho từng bệnh nhân. Những loại vaccine này sản sinh từ mẫu khối u của người bệnh, nên cần phải phẫu thuật để lấy một mẫu khối u đủ lớn để tạo ra vaccine cần thiết.

Vaccine trị ung thư: Tiềm năng và thách thức? - 3
Hai loại vaccine trị ung thư

* Vaccine peptide là tiêm trực tiếp kháng nguyên ung thư vào cơ thể. Hệ thống miễn dịch nội tại phát hiện, tấn công các kháng nguyên và giết chết các tế bào ung thư. Vì vaccine peptide này phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của bệnh nhân, nên thường không hiệu quả ở người ung thư bị suy giảm miễn dịch.Vaccine kháng nguyên định sẵn này sản xuất nhanh nhưng tính đặc hiệu thấp.

Vaccine trị ung thư: Tiềm năng và thách thức? - 4

* Vaccine tế bào đuôi gai là chiết xuất từ các tế bào đuôi gai của chính cơ thể bệnh nhân, được nuôi cấy và biệt hóa nhân tạo. Các tế bào đuôi gai này có ký ức miễn dịch về các kháng nguyên, nên sẽ phản ứng tốt với tế bào ung thư. Vaccine tự thân có đặc hiệu cao vì kháng nguyên từ khối u của chính bệnh nhân, nhưng việc sản xuất tốn thời gian và chi phí rất cao hơn, hơn nữa trên cùng một bệnh nhân vị trí khối u thường có tính kháng nguyên khác nhau, nên không thể dùng một loại vaccine để nhận dạng và tấn công hết.

Nhiều vaccine trị ung thư còn “thử nghiệm” !

Hiện nay, hầu hết các vaccine điều trị ung thư đều đang qua các thử nghiệm lâm sàng (clinical trials) liên quan người tình nguyện viên. Danh sách các cơ quan bị ung thư đang thử nghiệm lâm sàng vaccine khá dài gồm: Bàng quang, Não bộ, Vú, Cổ tử cung, Đại trực tràng, Thận, Máu, Phổi, Da, Tủy xương, Tụy tạng, Tiền liệt tuyến.

Chỉ một mình vaccine Sipuleucel-T (Provenge) đã được Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cho phép sử dụng để điều trị ung thư tiền liệt di căn vào năm 2010. Vaccine Sipuleucel-T này được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân qua các bước: Trích bạch cầu từ máu người bệnh; đó. Chỉnh đổi các bạch cầu trong phòng thí nghiệm để chúng nhận biết các tế bào ung thư tiền liệt. Truyền các bạch cầu đã chỉnh sửa vào lại người bệnh để chúng “dạy” hệ thống miễn dịch tìm diệt tế bào ung thư tiền liệt.

ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

Nhiễm trùng mãn tính có thể chuyển thành ung thư, do đó dùng vaccine phòng bệnh truyền nhiễm là gián tiếp phòng ngừa ung thư do nhiễm trùng này gây ra. Do đó, một số tài liệu y học xếp những vaccine phòng bệnh nhiễm trùng này thành “vaccine ngừa ung thư”. Hiện tại, FDA đã phê duyệt hai loại vaccine nhiễm trùng thành vaccine ngừa ung thư là Vaccine virút papilloma (HPV) để ngừa ung thư sinh dục nữ (cổ tử cung, âm đạo và âm hộ), ung thư hậu môn; ung thư miệng; và Vaccine vi-rút viêm gan B (HBV) để ngừa ung thư gan.

Hầu hết các “vaccine điều trị ung thư” còn đang thông qua các thử nghiệm lâm sàng trên những người tình nguyện. Việc phát triển vaccine điều trị ung thư này còn rất khó khăn vì 4 lý do: (1) Tế bào ung thư ức chế hệ thống miễn dịch; (2) Hệ miễn dich của người bệnh không “nhìn thấy” nên bỏ qua các tế bào ung thư; (3) Vaccine khó áp dụng với các khối ung thư lớn hoặc đang tiến triểm mạnh. Đây là lý do khiến bác sĩ điều trị thường sử dụng vaccine ung thư thêm vào các phương pháp kinh điển khác; (4) Vaccine trị ung thư không tác dụng ở người quá già hoặc người có hệ thống miễn dịch suy yếu, đáp ứng kém với vaccine. Vì những lý do này, một số nhà nghiên cứu cho rằng vaccine điều trị ung thư chỉ có thể hoạt động tốt đối với các khối u nhỏ, ung thư giai đoạn đầu, và thường dùng phối hợp với các liệu pháp điều trị ung thư kinh điển hơn là đơn trị liệu.

Vaccine trị ung thư: Tiềm năng và thách thức? - 5
Tháng 3/2019, trong hội thảo: “Cập nhật liệu pháp phòng ngừa và điều trị ung thư bằng HITV-Vaccine Hasumi” tại Bệnh viện Gia An 115, TP.HCM, TS BS Kenichiro Hasumi, Nhật, thông báo nhóm khoa học của ông đã chế tạo thành công hơn 30 loại vắc xin phòng ngừa và điều trị ung thư, với khả năng loại bỏ ung thư khỏi cơ thể, và kéo dài sự sống cho cả bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối. Chuyên gia hàng đầu về ung thư, TS.BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư, Bệnh viện ĐH Kyoto, thông tin: Hiệp hội Ung thư Nhật, Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Nhật (PMDA) chưa công nhận về hiệu quả và an toàn, bác sĩ tại Nhật cũng chưa dùng nhiều vaccine Hasumi này. 

THAY LỜI KẾT

Hiện nay, thế giới vẫn đang điều trị ung thư với ba liệu pháp kinh điển là phẫu thuật, hóa trị liệu, và xạ trị. Liệu pháp miễn dịch kết hợp thêm, như là liệu pháp thứ tư, với nhiều hứa hẹn.

Vaccine trị ung thư: Tiềm năng và thách thức? - 6

Liệu pháp miễn dịch ung thư tác động qua: (1) Kháng thể đơn dòng (miễn dịch thụ động) để gắn kết với các tế bào ung thư, giúp miễn dịch định vị và phá hủy; đã được sử dụng trong ung thư bạch cầu, vú, ruột, ung thư ở đầu mặt cổ…;(2) Thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (checkpoint inhibitors). Bình thường, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ dựa vào các “điểm nhận biết” hay “điểm dừng miễn dịch”, để không hoạt hóa quá mức. Các tế bào ung bướu sử dụng các điểm nhận biết này để tránh sự phát hiện của hệ miễn dịch. Ức chế “điểm nhận biết” hay giải phóng “hàng rào ngăn cản” là một liệu pháp giúp các tế bào hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung bướu hiệu quả hơn. Hiện FDA cho phép sử dụng một số thuốc nhóm này; (3) Các Cytokine là những protein trách nhiệm đáp ứng miễn dịch nguyên phát. Hai loại cytokine đã được dùng là interferon và interleukin (interferon α (IFN-α), interleukin 2 (IL-2); và (4) Vaccine trị ung thư.

Về lý thuyết,vaccine trị ung thư có ba lợi điểm: (1) một rất đặc hiệu, chỉ chống đúng tế bào ung thư và để yên tế bào lành, (2) hai ít hay không có tác dụng phụ so với hóa và xạ trị; và (3) ba rất tiện dụng, như tiêm các vaccin thông thường, có thể điều trị cho bệnh nhân ngoại trú. Trên thực tế, vẫn còn một số thách thức,và đa số vaccine ung thư đang được thử nghiệm lâm sàng. Hy vọng trong tương lai chúng ta có thêm vũ khí mới chống lại ung thư, căn bệnh gây tử vong hàng thứ hai trên thế giới.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam