Vắc xin mới rẻ nên được chọn thay thế Quinvaxem?

Đến hết tháng 5/2018, Việt Nam sẽ đưa vắc xin phối hợp 5 trong 1 Combe Five thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngày 24/4, tại buổi hội thảo Truyền thông về một số vắc xin mới triển khai trong tiêm chủng mở rộng năm 2018, trả lời thắc mắc về việc chọn loại vắc xin Combe Five thay thế Quinvaxem ngưng sản xuất trong khi có nhiều chọn lựa khác có phải do giá rẻ, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Việc sử dụng vắc xin phụ thuộc việc phòng dịch bệnh lâu dài và đáp ứng miễn dịch chứ không chỉ là giá cả.

“Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vắc xin phối hợp 5 trong 1, bao gồm loại vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào tạo đáp ứng miễn dịch lâu dài và loại ho gà vô bào tạo đáp ứng miễn dịch không lâu dài và phải tiêm nhắc sau một thời gian”, ông Anh lý giải.

Vắc xin Combe Five được chọn thay thế Quinvaxem không chỉ do giá rẻ. Ảnh: HL
Vắc xin Combe Five được chọn thay thế Quinvaxem không chỉ do giá rẻ. Ảnh: HL

Bổ sung điều này, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết việc sử dụng vắc xin còn phụ thuộc vào đặc điểm dịch tễ học.

Theo các báo cáo, trong vòng 5 năm trở lại đây, số nước sử dụng vắc xin ho gà vô bào chiếm 35% chủ yếu khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu còn các nước đang phát triển chủ yếu sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào. Sở dĩ có điều này bởi ở các nước phát triển, bệnh tật được kiểm soát tốt nên người ta quan tâm đến loại vắc xin ho gà vô bào cho phản ứng sau tiêm thấp hơn loại ho gà toàn tế bào.

Tuy nhiên, sau năm 2014, đánh giá việc tiêm chủng tại 19 nước, có 5 nước gia tăng bệnh ho gà trong đó có 4 nước sử dụng vắc xin vô bào gồm Anh, Mỹ, Đức, Bồ Đào Nha và một nước sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào nhưng tỉ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân gia tăng bệnh.

Do đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo những nước như Việt Nam tiếp tục sử dụng vắc xin toàn tế bào.

Việc chuyển đổi từ vắc xin Quinvaxem sang Combe Five đã cân nhắc từ các yếu tố trên.

PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khẳng định việc chuyển đổi vắc xin là bình thường. Trước khi cho phép một loại vắc xin mới, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan đã có nghiên cứu chặt chẽ tình hình sử dụng, đảm bảo tính an toàn của loại vắc xin này trên thế giới.

Ông Phu cũng nhìn nhận phản ứng sau tiêm, đặc biệt là sốt của loại vắc xin ho gà toàn tế bào nhiều hơn vô bào nhưng không ai phủ định nó miễn dịch tốt hơn.

“Nếu triển khai loại vắc xin ho gà vô bào thì đến khi trẻ 13, 14 tuổi phải tiêm nhắc lại nhưng nếu thực hiện không tốt thì nguy cơ bệnh bùng phát sẽ tăng cao trong tình hình hằng năm có đến 1,7 triệu trẻ được tiêm chủng mở rộng. Do đó, hội đồng thẩm định đã chọn và tham khảo sử dụng vắc xin Combe Five không chỉ do giá thành thấp mà còn hợp lý và phù hợp nhất với điều kiện ở Việt Nam. Ngoài ra, thời gian gần đây, việc cấp cứu, kiểm soát sự cố trùng hợp ngẫu nhiên sau tiêm vắc xin cũng tốt hơn nhờ khám sàng lọc, phát hiện bệnh lý đi kèm của trẻ như tim bẩm sinh, xuất huyết não, sặc sữa...”, ông Phu giải thích.

Vẫn tiêm Quinvaxem cho đến khi thay vắc xin mới

Hiện nay, vắc xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho tới khi được thay thế bằng vắc xin mới để đảm bảo trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

Lịch tiêm chủng vấc xin 5 trong 1 không thay đổi, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vào lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Trẻ em được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Quinvaxem sẽ tiếp tục sử dụng vắc ĩn Combe Five cho các mũi tiếp theo.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để phòng các bệnh truyền nhiễm lây nhiễm.

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM