Uống rượu, bia sau bao lâu thì được lái xe?

(Dân trí) - Rất khó để biết được sau bao lâu rượu, bia trở nên âm tính trong hơi thở, máu. Bác sĩ khuyên cách tốt nhất là hạn chế số lần và lượng uống.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), về mặt khoa học, bất kể nồng độ cồn ở mức nào, kể cả nồng độ thấp thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thần kinh, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.

Tuy nhiên, không thể nói chính xác bao lâu sau khi uống rượu bia thì kiểm tra không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở. Lý do vì thời gian này phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng, loại rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói... Uống càng nhiều thì nồng độ càng cao.

Uống rượu, bia sau bao lâu thì được lái xe? - 1

Bác sĩ khuyên người dân nên kiểm soát lượng uống và hạn chế số lần uống, đồng thời tuân thủ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. 

Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của từng người. Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không.

Theo bác sĩ Nguyên, hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ. Uống lúc đói thì hấp thu rượu càng nhanh. Những người uống kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn.

“Không ai giống ai cả. Vì thế chúng ta cần xác định tâm thế ‘đã uống rượu bia thì không lái xe’. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống”, BS Nguyên nhấn mạnh.

Uống hai cốc bia, người lái xe ô tô có thể bị phạt 30-40 triệu đồng

Nghị định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn quy định: Mức phạt cao nhất, phạt tiền 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Uống 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml) tương đương 1,2 đơn vị = 12 gam cồn. 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml) tương đương với 1,35 đơn vị = 13,5 gam cồn. 1 cốc bia hơi 330 ml tương đương đơn vị = 10 gam cồn. 1 chai bia 330ml tương đương với 1,65 đơn vị = 16,5 gam cồn.

Như vậy, theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), khi nạp 2 đơn vị tương đương với 20 gam cồn thì nồng độ cồn trong máu tương ứng với khoảng 50mg/100ml. Nếu uống 2 cốc bia 5% độ cồn tương đương với 26,7g cồn nguyên chất thì sau khoảng 15-20 phút, nồng độ cồn trong máu đỉnh điểm có thể đạt tới 554,89mg/100ml.

Con số này tính trên một người bình thường có trọng lượng 70 kg, lượng dịch cơ thể chiếm khoảng 70% tương ứng 4.900 ml máu. Theo công thức tính nồng độ cồn trong máu= 26.700mg cồn x 100/4900ml.

“Ở nồng độ cồn này người uống đã bị say, ảnh hưởng đến độ tập trung, khả năng điều khiển hành vi, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu tiếp tục uống và duy trì nồng độ cồn cao trong máu”, bà Trang nói.

Một số thực phẩm cũng chứa ethanol

Hiện các thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol trong đó như socola, siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng... Nếu không may ăn phải thì người dân ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông. Nếu không may kiểm tra vẫn sẽ có một chút ethanol trong hơi thở.

Dù vậy theo bác sĩ Nguyên người dân không cần quá lo lắng bị xử phạt trong tình huống này. Phía công an có quy trình làm xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần 2.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho biết những trái cây lên men có hàm lượng cồn rất nhỏ, không đáng kể. Chỉ khoảng 10-15 phút đi lại, những phẩm đó đã chuyển hóa và bay hơi. Nếu vừa ăn xong lái xe ngay thì lượng cồn có trong máu không đáng kể và sẽ không bị xử phạt.

Nam Phương