Uống nhầm thuốc trừ sâu, bé 2 tuổi suýt chết

(Dân trí) - Thấy chai nước C2 bé trai 2 tuổi đã mở nắp ngửa cổ uống. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, tím tái, người nhà tá hỏa phát hiện cháu uống nhầm phải thuốc trừ sâu đựng trong vỏ chai nước giải khát, vội đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tai nạn thương tâm xảy đến với bé trai H.H.P. (2 tuổi, ngụ tại Bến Lức, Long An). Cháu được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu trong tình trạng co giật liên tục, kích thích vật vã, tăng tiết đàm nhớt, sau đó mê dần, đồng tử co nhỏ.

Khai thác nhanh bệnh sử của bác sĩ từ gia đình bệnh nhi, được biết trước đó cháu đã uống nhầm phải thuốc trừ sâu (Dragon) đựng trong vỏ chai nước giải khát C2. Sau khi uống bệnh nhi sùi bọt mép, ói liên tục, lơ mơ, vật vã… được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An. 

Uống nhầm thuốc trừ sâu, bé 2 tuổi suýt chết - Ảnh 1.

Sau 1 tuần hồi sức tích cực, bệnh nhi đã may mắn qua nguy kịch

Tại đây, bé được rửa dạ dày, bơm than hoạt tính để hấp thụ độc tố nhưng diễn tiến ngày càng nặng với biểu hiện co giật liên tục, kích thích vật vã, tăng tiết đàm nhớt, sau đó mê dần, đồng tử co nhỏ… nên phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Các xét nghiệm kiểm tra xác định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu Phospho hữu cơ (chuyên diệt rầy, muỗi, gián, kiến) các bác sĩ đã chăm sóc, điều trị giải độc tích cực cho bệnh nhi. 

Sau 7 ngày hồi sức tích cực, sáng 8/1 sức khoẻ bệnh nhi đã cải thiện tốt, cháu được cai máy thở, tỉnh táo, các chỉ số sinh hiệu ổn định.

Năm qua, khoa Hồi sức Cấp cứu của bệnh viện phải tiếp nhận hơn 10 trẻ nguy kịch do uống nhầm thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu, hóa chất, nước rửa móng tay... Hầu hết trường hợp ngộ độc là do phụ huynh dùng chai lọ chứa thực phẩm để chứa hóa chất nên trẻ không biết vô tình người nhà tự gây hại cho con em mình.

Từ những trường hợp trên, BS-CK2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc cho hay: Uống nhầm xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axít, thuốc diệt cỏ... là tai nạn nguy hiểm, thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ uống nhầm hóa chất sẽ ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt (loại chất độc có tính ăn mòn). Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.

Để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy đến với trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không đựng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, xăng dầu và hoá chất nói chung trong vỏ chai nước giải khát. Hóa chất đựng trong các chai lọ chuyên dụng cũng phải cẩn thận để ngoài tầm với của trẻ, đóng chặt nắp chai.

Tuyệt đối không để thuốc, hoá chất gần thức ăn, thức uống; không cất giữ hóa chất nếu không cần thiết; không nói dối trẻ thuốc là kẹo vì trẻ sẽ nghĩ các loại thuốc là kẹo có thể ăn và bị ngộ độc. Trường hợp trẻ không may uống phải hóa chất, người nhà cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ kịp thời.

Vân Sơn