Uống 40 viên thuốc trị rối loạn tâm thần, bệnh nhân hôn mê sâu

(Dân trí) - Phát hiện ông H. nằm bất động bên cạnh lọ thuốc chống động kinh người nhà kiểm tra thì phát hiện toàn bộ số thuốc mới lãnh bảo hiểm đã hết. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân ngộ độc nặng, hôn mê sâu sau ngộ độc Phenobarbital.

Ngày 25/8, thông tin từ BS Trần Huy Nhật, khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân Dân 115 cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp ngộ độc rất hi hữu. Bệnh nhân là ông T.T.H. (60 tuổi, ngụ tại Quận 4, TPHCM) nhập viện trong tình trạng hôn mê.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người nhà ghi nhận, bệnh nhân đang điều trị rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não từ năm 3 tuổi, với nhiều loại thuốc trong đó có Phenobarbital. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định cho uống thuốc theo toa bảo hiểm y tế, mỗi ngày 1 viên.

Uống 40 viên thuốc trị rối loạn tâm thần, bệnh nhân hôn mê sâu - 1

Lọ thuốc bệnh nhân sử dụng dẫn tới ngộ độc được gia đình mang cùng bệnh nhân vào viện cấp cứu đã giúp bác sĩ có giải pháp chẩn đoán, điều trị sớm

Trước nhập viện 5 ngày, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám, lãnh 45 viên Phenobarbital 0,1g. Khoảng 15 giờ cùng ngày nhập viện, người nhà phát hiện bệnh nhân lơ mơ nằm trên giường, kế bên là lọ thuốc Phenobarbital đã hết, kiểm tra không phát hiện thuốc rơi vãi xung quanh. Nghi ngờ bệnh nhân đã uống hết toàn bộ 40 viên thuốc còn lại nên người nhà lập tức đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Nhân Dân 115.

Tại đây, qua thăm khám nhanh, bác sĩ xác định người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch tính mạng nên nhanh chóng đặt nội khí quản, thở máy rồi chuyển vào khoa Hồi sức Tích cực Chống điều trị. Các kết quả xét nghiệm kiểm tra cho thấy có sự hiện diện của Phenobarbital trong máu và nước tiểu của người bệnh. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân, điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc Phenobarbital, kết hợp lọc máu hấp phụ, uống than hoạt, rửa dạ dày.

Sau hơn 8 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân nhanh chóng bình phục, tri giác cải thiện, nhận biết được xung quanh nên được rút ống nội khí quản, chuyển đến khoa Nội Tiêu hóa theo dõi tiếp. Bác sĩ Huy Nhật nhận định, đây là trường hợp ngộ độc nặng may mắn qua cơn nguy kịch nhờ người nhà phát hiện kịp thời, chuyển đến bệnh viện sớm, khai bệnh rõ ràng với bác sĩ nên được xử trí nhanh bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn sau 12 giờ nhập viện.

Uống 40 viên thuốc trị rối loạn tâm thần, bệnh nhân hôn mê sâu - 2

Bệnh nhân được điều trị tích cực, lọc máu hấp phụ nên may mắn qua nguy kịch

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo Phenobarbital nói riêng và nhóm thuốc hướng thần nói chung được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về rối loạn tâm thần và nhận thức. Tuy nhiên, chính nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc này lại có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc do quá liều thuốc dù vô tình hay tự ý bởi họ không tự kiểm soát được hành vi bản thân. 

Để tránh tai nạn tương tự có thể xảy ra những gia đình có người thân đang sử dụng những loại thuốc trên cần có phương án bảo quản thuốc kỹ lưỡng, cho bệnh nhân uống thuốc theo toa của bác sĩ và đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường. 

Trong trường hợp ngộ độc do quá liều, người thân cần phải xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu, có uống thêm thuốc nào khác hay không. Các manh mối giúp gợi ý bao gồm số vỉ thuốc lọ thuốc xung quanh khu vực bệnh nhân ngộ độc, hỏi những nhà thuốc tây lân cận có bán thuốc cho bệnh nhân không, hình chụp thuốc bệnh nhân chia sẻ trên mạng xã hội… Các thông tin về việc sử dụng thuốc ở người bệnh trước khi ngộ độc sẽ giúp nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

Biện pháp sơ cứu ban đầu đối với những trường hợp không may bị ngộ độc nhưng còn tương đối tỉnh táo là uống than hoạt tính. Để chủ động xử lý những tình huống trên, bác sĩ khuyến cáo, trong tủ thuốc của mọi gia đình nên có thêm than hoạt tính. Trong mọi trường hợp phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt. Càng để lâu cơ thể sẽ hấp thu thuốc càng nhiều và tình trạng ngộ độc sẽ nặng nề hơn gây khó khăn cho việc cấp cứu, điều trị.

Vân Sơn