Ung thư thực quản: Có thể chẩn đoán sớm đến mức nào?

(Dân trí) - Thực quản là những bộ phận nằm sâu bên trong cơ thể. Do đó, rất khó để phát hiện ung thư sớm. Vậy nhưng, tại Nhật Bản, các bác sĩ đã có thể phát hiện sớm căn bệnh này ngay từ giai đoạn O – giai đoạn mà biểu hiện bệnh rất mờ nhạt.

Phát hiện chính xác từ giai đoạn O


PGS.TS Ryoji Miyahara, khoa Tiêu hóa Gan mật, ĐH Y khoa Nagoya Nhật Bản, trình bày báo cáo tại Hội nghị Tiêu hóa và Gan mật quốc tế tổ chức tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội

PGS.TS Ryoji Miyahara, khoa Tiêu hóa Gan mật, ĐH Y khoa Nagoya Nhật Bản, trình bày báo cáo tại Hội nghị Tiêu hóa và Gan mật quốc tế tổ chức tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Theo PGS.TS Ryoji Miyahara, khoa Tiêu hóa Gan mật, ĐH Y khoa Nagoya Nhật Bản, tỉ lệ mắc ung thư thực quản tại Nhật Bản đã tăng rất nhanh (gần gấp 3) kể từ những năm 1990 trở lại đây.

Tuy nhiên, tỉ lệ sống của người bệnh tại Nhật Bản rất cao, lên tới 83,5% nếu phát hiện sớm ngay từ giai đoạn 0 và 60% ở giai đoạn 2.


Kỹ thuật ánh sáng BLI và nhuộm màu giúp phát hiện ung thư qua nội soi không cần sinh thiết

Kỹ thuật ánh sáng BLI và nhuộm màu giúp phát hiện ung thư qua nội soi không cần sinh thiết

Ví như với kỹ thuật nội soi BLI sáng, nhuộm màu iodine, các vùng tiền ung thư (tổn thương loạn sản độ cao tại lớp biểu mô) sẽ hiện ra chỉ trong vài phút, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác các dấu hiệu đó có phải là ung thư không mà không cần phải sinh thiết.


Mạch máu dị dạng của khối ung thư thực quản

Mạch máu dị dạng của khối ung thư thực quản

Còn để chẩn đoán mức độ xâm lấn của ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản, các chuyên gia Nhật sẽ căn cứ trên hình dạng của các mao mạch (giãn, uống khúc, không đều, biến dạng) nhờ kỹ thuật nội soi phóng đại để đánh giá mức độ xâm lấn.

PGS. Miyahara cũng chỉ ra những đối tượng có nguy cơ ung thư thực quản là những người uống rượu, hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn rau và hoa quả không đầy đủ, suy kiệt, tiền sử ung thư thanh quản hoặc hầu học, thể dị hợp gen Aldehyde dehydrogenase 2 (chứng đỏ mặt khi uống rượu ở người châu Á), co thắt tâm vị, tổn thương thực quản. Đây là nhóm người cần đi tầm soát ung thư thực quản thường xuyên.

Cùng quan điểm, GS GS. Hidemi Goto, GS danh dự ĐH Nagoya, GĐ Liên đoàn Y tế công quốc gia, Quỹ hỗ trợ nhân lực, bệnh viện Meijo cho rằng: Để phát hiện sớm ung thư thực quản cần nội soi định kỳ thực quản bởi các tổn thương biểu mô thường phải mất 3-5 năm để phát triển thành ung thư.

80% ca điều trị không cần hóa xạ trị

Khi đã xác định được bệnh, các chỉ định điều trị như nội soi cắt hớt triệt để (ESD) cũng mang lại cơ hội sống cao cho người bệnh, ngay cả khi khối u đã di căn.

Cụ thể, nghiên cứu trên 176 bệnh nhân với 234 tổn thương điều trị bằng nội soi ESD (cắt hớt) từ tháng 9/2007 – 8/2016 và theo dõi trên nửa năm cho thấy tỉ lệ thành công lên tới 80%. Với 139 ca cắt hớt triệt để này đã giúp bệnh không di căn, bệnh nhân không phải mổ, hóa trị, xạ trị với thời gian sống trung bình là 3,4 năm.

Đánh giá về những tiến bộ này, GS. Hidemi Goto, cho biết: “Phát hiện sớm rất quan trọng, chỉ cần nội soi cắt bỏ thay vì mổ hở, giảm nguy cơ xâm lấn rất nhiều”.

Quan trọng nhất là kinh nghiệm của bác sĩ


GS GS. Hidemi Goto, GS danh dự ĐH Nagoya, GĐ Liên đoàn Y tế công quốc gia, Quỹ hỗ trợ nhân lực, bệnh viện Meijo

GS GS. Hidemi Goto, GS danh dự ĐH Nagoya, GĐ Liên đoàn Y tế công quốc gia, Quỹ hỗ trợ nhân lực, bệnh viện Meijo

GS Goto cũng cho biết những tiến bộ này đều đã có ở Việt Nam nhưng quan trọng nhất là con người - nguồn nhân lực.

GS Goto cho biết nếu như ở Nhật có khoảng 30.000 bác sĩ nội soi thì ở Việt Nam chỉ có khoảng 500 bác sĩ làm công việc này (năm 2012). Kéo theo đó là số ca nội soi mà các bác sĩ thực hiện tại Việt Nam cao gấp 10 lần so với các bác sĩ Nhật Bản (400 ca/ngày so với 40 ca/ngày)

“Số bác sĩ nội soi ít cùng với đó là lượng bệnh nhân quá đông nên không thể phát hiện, dễ bỏ sót các dấu hiệu tiền ung thư. Vì vậy, không chỉ hỗ trợ máy móc, chúng tôi phải truyền đam mê cho các bác sĩ nội soi trẻ cũng như chuyển giao công nghệ để giúp tăng tỉ lệ phát hiện sớm ung thư”, GS Goto cho biết.

Trong khuôn khổ chương trình Chào mừng kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản, trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tiêu hóa và Gan mật quốc tế.

Tham dự hội nghị ngày 14/10 có các nhà khoa học, các thầy thuốc đến từ đại học Nagoya, bệnh viện Meijo, đại học Chiba Nhật Bản, đại học Hong Kong, đại học Yonsei Hàn Quốc. Cùng tham dự về phía Việt Nam có hơn 500 giáo sư bác sĩ đến từ mọi miền của đất nước.

Các chủ đề chính của Hội nghị thường niên lần này là:

- Chẩn đoán với trọng tâm là chẩn đoán sớm và điều trị ung thư thực quản do PGS.TS Ryoji Miyahara, khoa Tiêu hóa – Gan mật, ĐH Y khoa Nagoya Nhật Bản, trình bày.

- Điều trị với trọng tâm là phẫu thuật nội soi ngực bụng điều trị ung thư thực quản của PGS. Phạm Đức Huấn; điều trị các tổn thương ác tính đại trực tràng bằng nội soi tại Nhật Bản của PGS. Masanao Nakamura; Tối ưu hóa điều trị ung thư gan tại khu vực có tỉ lệ mắc viêm gan B cao của GS. Kwang Hyub Han (ĐH Yonsei, Hàn Quốc)...

Bài và ảnh: Trần Phương