Ung thư dương vật - Nỗi ám ảnh của quý ông

(Dân trí) - Vì chủ quan, cho rằng “cậu nhỏ” là nơi bất khả xâm phạm, không ít quý ông đã trở nên đau khổ, thất vọng, ám ảnh khi buộc phải "chia tay" với "cậu nhỏ" vì bị ung thư ở giai đoạn muộn.

80% bệnh nhân phải cắt bỏ dương vật

Theo TS Nguyễn Sĩ Hoá, Phó Viện trưởng Viện Da liễu quốc gia, đây chắc chắn là một con số khiến nhiều quý ông phải “rùng mình”. Đáng nói, số ca ung thư dương vật đang ngày một tăng. Năm 2007, tại Viện có hơn 50 ca thì 100% số bệnh nhân này phải cắt bỏ hoàn toàn "chỗ ấy".
 
Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy, ung thư dương vật khá phổ biến. Vùng Hà Nội, theo ghi nhận ung thư từ năm 1992 đến 1996, tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 2,1/100.000dân. Còn tại TP Hồ Chí Minh, bệnh này chiếm khoảng 3,4% tổng số các bệnh về ung thư.

Có nhiều nguyên nhân gây ung thư dương vật, trong đó, phần lớn là do chít hẹp bao quy đầu. Theo TS Hoá, hẹp bao quy đầu không trực tiếp gây ung thư, nhưng nó tạo điều kiện viêm mạn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Tổn thương viêm kéo dài nhiều năm làm biến dị tế bào niêm mạc, biến hoá dần thành ung thư.

Trên thực tế, 90% bệnh nhân ung thư dương vật có tật hẹp bao quy đầu, viêm quy đầu thường xuyên, đời sống nghèo, vệ sinh cá nhân kém. Số còn lại là do bệnh sùi mào gà đường sinh dục, có nguyên nhân từ bệnh lây qua đường tình dục...

“80% bệnh nhân phải cắt bỏ dương vật là do người bệnh đến viện khi bệnh tình đã ở giai đoạn muộn. Vì khi dương vật, bao quy đầu có dấu hiệu viêm loét, người bệnh chỉ nghĩ đơn giản là bệnh hoa liễu thông thường nên chủ quan không đi khám sớm. Thực tế, nhiều bệnh nhân đến viện Da liễu nhằm mục đích điều trị hoa liễu thông thường”, TS Hoá nói.

Còn thực tế điều trị ung thư dương vật tại bệnh viện K cũng cho thấy, đa số người bệnh đến viện khi đã quá muộn, không còn khả năng bảo tồn dương vật. Cụ thể, có khoảng 57% vào viện sau 6 tháng xuất hiện thương tổn, 29% để bệnh kéo dài trên 1 năm. 93% số bệnh nhân trước khi đến bệnh viện đã tự điều trị bằng nhiều phương pháp, tự bôi thuốc, đi chữa thầy lang… Khi đó, khối u đã di căn, nên không chỉ phải cắt bỏ toàn bộ dương vật, mà việc duy trì được cuộc sống người bệnh cũng rất khó khăn, chỉ khoảng 30% người bệnh sống được trên 5 năm. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, việc điều trị không mấy khó khăn và đạt hiệu quả cao.

“Cắt” là “hết”?

Đó là sự băn khoăn, lo lắng của rất nhiều người khi bác sĩ có chỉ định phải cắt bỏ toàn bộ dương vật. Theo TS Hoá, việc bảo tồn dương vật, hay cắt một phần, cắt toàn bộ, thậm chí phải “nạo vét” hạch bẹn do ung thư xâm nhập… là tuỳ thuộc bệnh cảnh của từng người.

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ được điều trị bảo tồn dương vật. Tuy nhiên, hiếm người bệnh có được cơ may đó, vì đa phần, họ đều đến viện khi đã quá muộn. Còn khi đã có di căn hạch, chỉ định cắt cụt toàn bộ dương vật là khó tránh khỏi.

Bệnh nhân N.V.V, 50 tuổi ở Ninh Bình mới được phẫu thuật cắt cụt dương vật và vét hạch hai bên bẹn. Hiện, bệnh nhân này vẫn đang được phối hợp xạ trị sau phẫu thuật. BS điều trị cho biết, anh V buộc phải cắt bỏ “cậu nhỏ” là vì đã có di căn hạch. Anh V vào viện khi đã ở giai đoạn muộn, bị loét, sùi dương vật và bị sốt cao. Bệnh nhân này có tiền sử là hẹp bao quy đầu từ nhỏ, nhưng thấy không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt, nên anh V không đi tách bao quy đầu. Các bác sĩ đánh giá, khả năng bị viêm tái phát bao quy đầu kéo dài đã gây nên tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của anh hiện tại.

Theo TS Hóa, sau khi phẫu thuật cắt bỏ dương vật và điều trị ổn định, Viện sẽ tạo hình dương vật giả cho bệnh nhân, tuy nhiên, chất lượng sống của người bệnh chắc chắn bị ảnh hưởng, vì “đồ giả” không thể như “đồ thật”.

Vì thế, để tránh lâm vào tình cảnh này, mỗi người cần có ý thức đi khám sớm khi có biểu hiện nghi ngờ. Khi bị hẹp bao quy đầu, nên đi khám, cắt tách để giảm nguy cơ ung thư từ nguyên nhân này.

Tốt nhất cần xử lý chít hẹp bao quy đầu từ khi còn nhỏ, 1 - 2 tuổi. Ở giai đoạn này, việc xử lý rất đơn giản, chỉ cần cắt ở chỗ chít hẹp. Còn nếu để quá tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết, chưa kể những trường hợp đã có biến chứng xơ chai hoặc ung thư do quá lâu ngày.

Tú Linh