Ung thư đại - trực tràng: Hoạ tùng khẩu nhập

Bệnh ung thư thật sự đã trở thành gánh nặng cho toàn xã hội. Tại nước ta, ung thư đại – trực tràng là một trong những loại ung thư rất thường gặp và là nguyên nhân trực tiếp liên quan đến tử vong do ung thư.

Vì vậy, phòng ngừa ung thư là phương cách tốt nhất, hơn là việc cố gắng tìm kiếm các cách điều trị bệnh một khi đã xảy ra. Việc phòng ngừa ung thư đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chú ý từ rất lâu, nhằm xác định và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ.

 

Ung thư đại - trực tràng: Hoạ tùng khẩu nhập

Tiêu thụ khoảng 160g/ngày hoặc ăn thịt đỏ quá năm lần trong tuần sẽ làm nguy cơ tăng gấp ba! Ảnh: Keith Kelly

 

Hiện nay, với nhiều thành tựu khoa học, các chuyên gia ung thư học đã xác định được những nguyên nhân ung thư và những yếu tố nguy cơ. Đã có trên 40% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được như tiêm ngừa viêm gan siêu vi B để phòng ngừa ung thư gan, hay HPV (Human Papiloma Virus) trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung… Còn nhiều loại bệnh ung thư chưa có vắc xin phòng ngừa thì chúng ta vẫn có thể phòng tránh được, như thông qua thói quen ăn uống mà ngừa ung thư đại – trực tràng.

 

Cẩn trọng khi ăn, uống, hút

 

Ai cũng biết hầu hết bệnh ung thư có một quá trình phát triển lâu dài, sự phát sinh bệnh còn tuỳ thuộc tính nhạy cảm và sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ trong suốt cuộc sống từng người. Có những người không biết chắc những gì cần tránh và cái gì phải cẩn trọng khi dùng. Do đó, việc giáo dục cho mọi người về những yếu tố nguy cơ là cần thiết.

 

Nếu loại trừ yếu tố nguy cơ có tính di truyền trên một số ít bệnh nhân ung thư đại – trực tràng, phần lớn ung thư đại – trực tràng có nguyên nhân từ thói quen sinh hoạt và cách ăn uống. Những yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư đại – trực tràng mà mọi người có thể phòng tránh được là:

 

Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu: nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều loại thịt trên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Tiêu thụ khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá năm lần trong tuần sẽ làm nguy cơ tăng hơn ba lần. Dưới hình thức chiên, nướng, thịt đã qua sơ chế như thịt xông khói, dăm bông, xúc xích... bản thân chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung; còn mỡ của loại thịt đỏ sẽ bị chuyển hoá bởi vi khuẩn trong lòng ruột thành chất sinh ung, từ đó làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường trong lòng ruột dẫn đến ung thư.

 

Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại – trực tràng. Thức ăn chứa nhiều chất xơ sẽ gia tăng tiêu thụ axít folic, dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, các chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các axít béo chuỗi ngắn cũng như các yếu tố vi lượng giúp chống hiện tượng ôxít hoá.

 

Các loại nước uống chứa cồn: sử dụng chúng với lượng 15g/ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.

 

Thuốc lá không những được biết đến như “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi mà gần đây được công nhận là yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại – trực tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.

 

Béo phì cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại – trực tràng cho cả nam cũng như nữ giới, nhưng rõ nét nhất là nam giới. Nam giới có chỉ số khối cơ thể cao sẽ có nguy cơ gấp hai lần, trong khi ở phụ nữ béo phì nguy cơ này chỉ hơn 1,5 lần. Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng, trên cơ sở ngăn ngừa tình trạng béo phì và làm giảm thời gian ứ đọng trong lòng đại tràng.

 

Biết được là tránh được

 

Các yếu tố trên đây chúng ta có thể kiểm soát được, tuy nhiên cũng có yếu tố không thể kiểm soát được như tuổi tác. Hơn một nửa bệnh ung thư xảy ra ở người lớn tuổi. Một điểm cần lưu ý là tuổi thọ ngày càng tăng, do vậy chúng ta luôn luôn đối mặt với những yếu tố nguy cơ ung thư đại – trực tràng. Việc xác định các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng để từ đó có biện pháp phòng ngừa tích cực hơn.

 

Để phòng tránh căn bệnh này một cách chủ động, ngoài việc không dùng quá nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật, bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi… làm loãng chất sinh ung trong phân, làm giảm thời gian ứ đọng phân trong lòng ruột đồng thời sinh ra những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, còn cần bổ sung các vitamin E, C, A, canxi và có lối sống lành mạnh, chế độ sinh hoạt năng động, thường xuyên luyện tập thể dục.

 

Theo TS.BS Bùi Chí Viết

Trưởng khoa ngoại 2

Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Sài Gòn tiếp thị