Ung thư bắt nguồn từ thói quen xấu

(Dân trí) - Trên 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường bên ngoài. Trong đó, 65% nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ thói quen hút thuốc lá và các chế độ dinh dưỡng không hợp lý... Đó là nhận định của các chuyên gia về ung thư.

Do tế bào biến đổi

 

Thạc sĩ chuyên ngành ung thư Đặng Văn Chính, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, trong đó các tế bào bị biến đổi, tăng sinh vô hạn, không chịu sự kiểm soát của cơ thể.

 

Trong quá trình phát triển và duy trì cuộc sống, đôi khi các tế bào bị biến đổi do nhiều yếu tố khác nhau như môi trường, chế độ ăn uống và sinh hoạt hoặc do yếu tố nội tiết. Theo ThS Chính, sự biến đổi tế bào có thể từ nhẹ đến nặng theo nhiều mức độ khác nhau. Nếu biến đổi ở mức nhẹ, cơ thể sẽ tự sửa chữa những hỏng hóc nhỏ này. Nếu biến đổi nặng hơn đến mức ác tính, cơ thể không thể sửa chữa được và có thể phải loại bỏ tế bào này đi và thay bằng tế bào khác.

 

Tuy nhiên, trong một thời điểm nào đó, hệ thống sửa chữa này bị yếu đi hoặc "lơ là mất cảnh giác" khiến các tế bào bị biến đổi có cơ hội tồn tại và nhân lên với số lượng lớn đến mức không thể tiêu diệt được nữa. Đồng thời hệ thống điều hòa trong cơ thể trở nên vô dụng đối với "đội quân tế bào ác tính" này. Đây là mốc quan trọng khởi phát bệnh ung thư sau này. Ở giai đoạn tiếp theo, đội quân ác tính sẽ nhân lên, "bành trướng" ra xung quanh (từ 1.000 tế bào lên 1.000.000 tế bào). Với số lượng lớn như vậy, nhưng dù đã tạo thành khối u nhưng cũng còn rất nhỏ và rất khó có thể phát hiện, kể cả bằng các loại máy móc hiện đại. Quá trình nói trên chiếm tới 75% thời gian phát triển của bệnh ung thư (trung bình 15 - 20 năm).

 

Tiếp theo khối u ác tính xâm lấn vào vùng xung quang do các tế bào ung thư có khả năng di động dễ dàng và khối u có khả năng làm tiêu protein xung quanh làm cho vùng này lỏng lẻo hơn.

 

Phổi, gan dễ bị di căn nhất

 

Trong khi khối u phát triển, một hoặc nhiều tế bào ung thư có khả năng tách ra, di chuyển đến vị trí mới cách xa khối u cũ và phát triển thành một ổ mới gọi là ổ di căn hay vị trí di căn. Còn vị trí hình thành bệnh được các bác sĩ gọi là u nguyên phát. Bên cạnh đó, tế bào ung thư đi vào trong mạch máu, tự trôi theo dòng máu, mắc lại ở một nơi nào đó (thường là các mạch máu nhỏ) và sinh sôi, tăng trưởng ở đó.

 

Phổi và gan là những nơi có mạch máu dày đặc nên tế bào ung thư hay bị mắc lại và trở thành bộ phận hay bị di căn nhất. Trên đường đi tới miền đất mới, có nhiều tế bào bị chết dọc đường. Vì vậy, để có ổ di căn mới cần có rất nhiều tế bào tách ra khỏi khối u.

 

Ngoài ra, tế bào ung thư còn đi theo con đường thứ hai là bạch huyết. Đây là một mạng lưới gồm các ống chia nhánh giống như mạch máu, tỏa khắp cơ thể, gọi là bạch mạch vì có chất dịch gần như trong suốt lưu thông ở trong, có nhiệm vụ bảo vệ chính cơ thể. Dọc đường đi của bạch mạch có các bạch huyết nhỏ hình hạt đậu. Tế bào ung thư sau khi thoát khỏi u nguyên phát có thể xâm nhập vào mạng lưới bạch mạch rồi mắc ở lại các bạch huyết.

 

Ung thư còn có thể di căn theo các lối ít bị cản trở vào các hốc, ống trong cơ thể. Ví dụ, ung thư dạ dày sau khi xâm lấn qua thành dạ dày, các tế bào có thể bong ra, rơi vào ổ bụng gây ra di căn ở buồng trứng. Và trên thực tế là ung thư cũng có thể di căn do kỹ thuật mổ không đúng. Một con dao mổ cắt ngang qua khối u, dính đầy tế bào ung thư nếu để chạm vào các mô lành sẽ cấy tế bào ác tính vào các mô đó.

 

Hậu quả

 

Tại vị trí nguyên phát, nếu không điều trị ngăn chặn kịp thời, khối u phát sẽ làm phá hủy mô lành xung quanh, làm hỏng các chức năng và gây đau.

 

Điều đáng nói là ung thư rất hay di căn vào các bộ phận quan trọng trong cơ thể.

 

Các tế bào ung thư sinh ra độc tố và các nội tiết tố không cần thiết gây rối loạn chuyển hóa làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn.

 

Ung thư cũng gây trục trặc hệ thống miễn dịch , khả năng chống miễn dịch giảm.

 

Ung thư gây mất cân bằng dinh dưỡng cho các tế bào ung thư và tranh chấp các chất dinh dưỡng với các tế bào lành làm cơ thể suy mòn và cuối cùng dẫn đến tử vong.

 

Hoàn toàn có thể phòng tránh

 

Phải thường xuyên sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động khi  tiếp xúc với môi trường làm việc có các chất độc hại nhiễm một số loại vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và các tia bức xạ độc hại.

 

Điều cần thiết không kém để phòng chống bệnh ung thư là từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc, lạm dụng bia rượu; đồng thời luyện tập thể dục thể thao, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Không nên sử dụng quá nhiều chất đạm, béo, ngọt, trong bữa ăn hàng ngày mà thay vào đó là các loại rau, củ, các sản phẩm chế biến từ đậu tương là món ăn rất tốt cho cơ thể giúp cơ thể  phòng tránh các bệnh ung thư.

 

TS Nguyễn Bá Đức  (GĐ Bệnh viện K)