“Tuyên chiến” với tội ác đầu độc người dân bằng thực phẩm bẩn

(Dân trí) - Ngoài việc hình sự hóa hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm, TPHCM sẽ lập mô hình riêng để quản lý các mặt hàng phục vụ ăn uống. Bên cạnh hành động “tuyên chiến” với tội ác sử dụng hóa chất độc hại, thành phố kêu gọi người dân “nói không với thực phẩm bẩn”.

Mỗi ngày trên cả nước có hơn 200 người tử vong vì căn bệnh ung thư, khoảng 410 ca ung thư mới được chẩn đoán phát hiện. Trong đó, ước tính khoảng 1/3 số người mắc ung thư là do chế độ ăn uống dung nạp quá nhiều hóa chất độc hại từ thực phẩm, nước uống.

Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh ung thư và các loại bệnh nan y khác sẽ tiếp tục gia tăng nếu Việt Nam không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng sử dụng tràn lan, bừa bãi hóa chất trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống.

Ngộ độc thực phẩm đang là bóng ma đe dọa sức khỏe cộng đồng
Ngộ độc thực phẩm đang là "bóng ma" đe dọa sức khỏe cộng đồng

Số liệu trên được đưa ra tại buổi lễ ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 1/4/2016. Theo đó, vấn nạn thực phẩm bẩn đang đầu độc sức khỏe của toàn xã hội, gây bất an cho mọi người, mọi nhà. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ mục đích lợi nhuận của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Họ bất chấp những nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng, thực hiện hành vi phạm pháp khi sử dụng chất cấm trong thực phẩm.

Hành vi trên là tội ác đối với đồng loại, Bộ luật Hình sự sửa đổi (bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2016) sẽ chính thức hình sự hóa đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, trước khi Luật pháp được thực thi thì nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng thực phẩm ở tất cả các khâu cần phải sớm có giải pháp khắc phục.

Tại TPHCM, trong báo cáo đến Thường trực Thành ủy, UBND thành phố (ngày 21/3) PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh An toàn Thực phẩm đã chỉ ra nhiều hạn chế trong kiểm soát chất lượng từ nguồn thực phẩm nhập khẩu đến sản xuất trong nước.

Quản lý chồng chéo, thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn hoành hành
Quản lý chồng chéo, thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn hoành hành

Cụ thể, với thực phẩm nhập khẩu, hiện nay thành phố chưa có cơ chế thông tin giữa Cục Hải quan, cơ quan quản lý của bộ với chính quyền địa phương trên địa bàn. Mặt khác, những sản phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch do chưa có phòng xét nghiệm nên đơn vị kiểm soát tính an toàn chưa lường trước được trong sản phẩm có loại chất cấm gì.

Đối với mặt hàng thực phẩm trong nước, TPHCM chỉ tự cung ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân, 70% còn lại được nhập về từ các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, các sản phẩm rau củ quả và thủy sản được vận chuyển về thành phố vẫn chưa có quy định bắt buộc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng. Trong trường hợp đơn vị quản lý phát hiện lô hàng nghi ngờ chứa chất cấm sẽ rất khó xử lý do chưa có hệ thống kho để tạm giữ chờ kết quả kiểm nghiệm. Vì thế, khi có kết quả kiểm nghiệm thì hàng hóa sai phạm đã bị phân phối, tiêu thụ hết.

Cùng với tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, vận chuyển trái phép, giết mổ lậu, mua bán gia súc, gia cầm tại các chợ tự phát đang diễn ra tràn lan gây khó khăn trong công tác kiểm soát nguồn gốc thì khâu tiêu thụ sản phẩm cũng còn nhiều bất cập do chưa có quy định về nguồn gốc thực phẩm ở các chợ truyền thống.

Bí thư Đinh La Thăng ký cam kết Nói không với thực phẩm bẩn
Bí thư Đinh La Thăng ký cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn"

Trước tình hình trên, ông Lê Văn Khoa, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố thẳng thắn nhìn nhận: Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua chưa thể hiện được tính hiệu quả nên đã tạo cơ hội để những mặt hàng không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn lưu thông trên thị trường, gây họa cho người tiêu dùng. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm.

Ngoài việc vận động cộng đồng “nói không với thực phẩm bẩn” ông Khoa cho biết, sắp tới thành phố sẽ triển khai điểm mô hình cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm trực thuộc UBND thành phố. Đây được kỳ vọng là giải pháp để xóa bỏ thực trạng “cha chung không ai khóc” khi ba bộ gồm Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế đang cùng quản lý một mâm cơm của người dân. Mô hình của TPHCM sẽ tập hợp các nhân sự chuyên ngành có đủ năng lực và quyền hạn trong một đơn vị thống nhất, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chặt an toàn thực phẩm từ khâu nuôi trồng, sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng.

Vân Sơn