Tượng nhà khoa học hai lần đạt giải Nobel được đặt tại bệnh viện K

(Dân trí) - Sáng 9/8, tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie – người tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng phóng xạ trong y học như một phương tiện quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư đã được hoàn thành, đặt trang trọng tại Bệnh viện K (Quán Sứ - Hà Nội).

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh viện K ra đời từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương từ năm 1923. Và ngay trong những ngày đầu thành lập Viện, nhà khoa học Marie Curie hỗ trợ những tuýp thuốc từ Pháp về Việt Nam điều trị cho bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng ông Olivier Sigaud, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam bên bức tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng ông Olivier Sigaud, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam bên bức tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie.

Bà là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là sự kiện rất ý nghĩa để ghi nhận, tôn vinh, tri ân những công lao to lớn của nhà khoa học Marie Curie với khoa học, với chuyên ngành ung thư và cũng là niềm tự hào của Bệnh viện K ra đời từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương từ năm 1923.

Bộ trưởng Tiến cho biết, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của Cộng hòa Pháp trong việc đào tạo cho Việt Nam hơn 3.000 bác sỹ nội trú Việt Nam tại Pháp và 1.500 bác sỹ sau đại học tại Việt Nam. Các bác sỹ được đào tạo đều đã trở thành những giáo sư, bác sỹ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành và rất nhiều trong số đó là những lãnh đạo chủ chốt của ngành y tế Việt Nam.

Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, ung thư đang là một gánh nặng. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 49 năm kể từ khi chính thức thành lập Bệnh viện K, đến nay, Bệnh viện K đã trở thành Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ung bướu của cả nước với 03 cơ sở khang trang, hiện đại, quy mô 2.400 giường bệnh.

Không chỉ nỗ lực trong phòng chống ung thư, Bệnh viện K còn góp phần cùng với các đồng nghiệp xây dựng hoàn thiện khoa ung bướu ở nhiều tỉnh, thành phố hình thành mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 8 bệnh viện chuyên ngành, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của người dân.

Bệnh viện cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng 5 – 10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng; nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Phấn đấu đến năm 2025, 100% UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương; 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống bệnh;...

Giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm; giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do bệnh ung thư so với năm 2015... 90% cơ sở y tế dự phòng bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng chống bệnh theo quy định...

Tú Anh