TT YTDP TP Tuy Hòa: Không biết vắc xin hết hạn… ở đâu ra (?!)

Sáng 20/5, ông Phan Văn Ngọc (ngụ phường 5, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đưa hai con trai đến tiêm vắc xin ngừa quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa. Ông Ngọc được nhân viên trung tâm hướng dẫn đóng 228.000 đồng để tiêm hai liều vắc xin Trivivac (còn gọi là vắc xin 3 trong 1 ngừa quai bị, sởi, sốt Rubella).

Cố tình tiêm vắc xin hết hạn

 

Khi thấy nhân viên Phạm Quốc Pháp lấy vắc xin định tiêm cho con mình, ông Ngọc không cho vì thấy nhân viên này còn quá trẻ, không đeo bảng tên. Ông Ngọc đề nghị bà Nguyễn Thị Khánh, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh, tiêm cho con ông.

 

Sau khi tiêm cho cháu PTT (16 tuổi, con ông Ngọc), bà Khánh ném vỏ lọ vắc xin vào sọt rác. Ông Ngọc nghi ngờ nên tìm vỏ lọ, nhặt lên thì phát hiện lọ vắc xin này đã hết hạn sử dụng nên không cho tiêm tiếp đứa con còn lại. “Trong khi tôi vừa bất ngờ, vừa lo lắng vì con tôi bị tiêm vắc xin hết hạn thì họ không giải thích gì mà vội vàng lấy vỏ lọ đem giấu rồi bảo cha con tôi đi về. Một nhân viên của trung tâm bảo đồng nghiệp: “Trả lại tiền cho ổng, bữa nào thuốc về thì bảo ổng đưa con đến chích lại”. Khi tôi làm căng, họ mới chịu nhận lỗi” - ông Ngọc kể.

 

TT YTDP TP Tuy Hòa: Không biết vắc xin hết hạn… ở đâu ra (?!).

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, đã sử dụng hộp vắc xin hết hạn tiêm cho cháu PTT

 

Nhiều trẻ đã bị tiêm vắc xin hết hạn

 

Theo các chứng từ do Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa cung cấp, liều vắc xin hết hạn trên nằm trong lô hàng số QLVX 029809 gồm 10 hộp vắc xin Trivivac (mỗi hộp năm lọ, tức năm liều) do trung tâm mua từ Công ty CP Y tế Đức Minh (xã Xuân Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) ngày 22/4 để tiêm dịch vụ.

 

Ông Đoàn Hùng Ánh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, cho biết trung tâm đã sử dụng hết chín hộp, liều hết hạn tiêm cho con ông Ngọc nằm trong hộp thứ 10. Bên ngoài hộp vắc xin này ghi ngày sản xuất là 3/10/2011, hạn sử dụng đến tháng 4/2013. Trong năm liều vắc xin của hộp thứ 10, ngoài con ông Ngọc, Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa đã tiêm cho hai người khác. Tuy nhiên, ông Ánh thừa nhận hiện chưa xác định đã tiêm cho ai, vào ngày nào. Ngoài ra, chín hộp với 45 liều vắc xin đã sử dụng có quá hạn hay không, đã tiêm cho những ai, vào thời gian nào hiện cũng chưa xác định vì trung tâm không lưu hộp, vỏ lọ. Trong khi đó, theo quy định, cơ sở y tế phải lưu vỏ lọ trong 14 ngày sau khi sử dụng.

 

Giải thích sự việc tiêm vắc xin hết hạn sử dụng trên, ông Phan Dinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, nói: “Người tiêm có sai sót là không kiểm tra hạn sử dụng của vắc xin trong khi đây là một quy trình bắt buộc”. Còn ông Đoàn Hùng Ánh thanh minh: “Do hạn sử dụng trên hộp vắc xin ghi bằng chữ số La Mã, trong khi người tiêm là chị Khánh đã lớn tuổi nên… đọc nhầm (!)”.

 

Nhập loại hết “đát” hay bị đánh tráo?

 

Ngay trong sáng cùng ngày, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an TP Tuy Hòa đã làm việc với những người liên quan để điều tra vụ việc. Sở Y tế tỉnh Phú Yên cũng cử ngay đoàn cán bộ đến Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa làm rõ nguồn gốc số vắc xin quá hạn trên.

 

Các chứng từ cho thấy trong hóa đơn mua bán giữa Công ty CP Y tế Đức Minh và Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa cũng như trong “phiếu nhập khoa” của trung tâm, lô hàng 50 liều vắc xin Trivivac không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; riêng “phiếu xuất kho” của trung tâm có ghi hạn sử dụng là 30-6-2013. Đối chiếu với hộp vắc xin thứ 10 còn lại, các lọ dung môi trong hộp ghi hạn sử dụng là tháng 6-2013, riêng các liều vắc xin đựng chung hộp này đều có hạn sử dụng là tháng 4-2013. Ông Phạm Ngọc Chương, Trưởng phòng Quản lý Dược - Sở Y tế tỉnh Phú Yên, nói: “Dung môi và vắc xin sản xuất trên hai dây chuyền khác nhau nên hạn sử dụng thường khác nhau, trong đó hạn sử dụng của dung môi thường xa hơn vắc xin”.

 

Trả lời câu hỏi “liệu Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa có nhập vắc xin hết hạn sử dụng?”, ông Đoàn Hùng Ánh nói: “Tôi không phụ trách mảng này. Người trực tiếp kiểm tra, nhập thuốc đang nghỉ sinh nên chưa rõ ra sao”. Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng nhiều khả năng vắc xin hết hạn bị đánh tráo nhưng trung tâm không phát hiện!

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc những thông tin liên quan đến sự việc nghiêm trọng này.

 

Với con ông Ngọc cũng như những trường hợp đã bị tiêm vắc xin hết hạn khác, ông Trần Ngọc Dưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế tỉnh Phú Yên, nói rằng chưa lường được sẽ bị phản ứng thế nào. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa đang theo dõi tình trạng sức khỏe của cháu bé bị tiêm vắc xin hết hạn, đồng thời sẽ xin ý kiến Viện Pasteur để tiêm bổ sung cho cháu.

 

Mất khả năng miễn dịch

 

Vắc xin quá hạn sử dụng tùy thời điểm gần hay xa mà có ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, trường hợp vắc xin quá hạn thì thành phần kháng nguyên trong vắc xin sẽ không còn đảm bảo tạo kháng thể, mất đi tính miễn dịch. Có trường hợp còn gây phản ứng bất lợi sau tiêm.

 

Về quy trình ghi nhận việc tiêm vắc xin, theo quy định, khi nhập kho thủ kho phải ghi rõ số lô, hạn sử dụng và cả nhiệt độ ngay tại thời điểm nhập kho. Tương tự, lúc xuất kho cũng đều có ghi chép tất cả thông tin. Sau khi tiêm vắc xin, người tiêm bắt buộc phải ghi sổ lưu đầy đủ thông tin: Thuốc gì, thuộc lô nào, ngày nào tiêm, tên bệnh nhân là gì để dễ dàng đối chiếu, kiểm tra.

 

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM

 
Theo Tấn Lộc

Pháp luật TPHCM