Truy tìm nguyên nhân gây stress ở từng nhóm tuổi

(Dân trí) - Số người phải chịu đựng các dạng rối nhiễu tâm lý khác nhau đang nhiều hơn bao giờ hết. Những người làm công phải vùng vẫy dưới áp lực phải đáp ứng công việc 24/24. Thanh thiếu niên bị soi mói qua các trang mạng xã hội. Và dân số già đi đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người cao tuổi phải vật lộn để kiếm tiền và để nhận được sự chăm sóc có chất lượng.

Trên thực tế, thậm chí các giáo viên tiểu học cũng báo cáo về sự gia tăng số trẻ nhỏ mắc các dấu hiệu lo âu.

Nhưng cho dù bạn là người lớn hay trẻ em, việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra những rối nhiễu tâm lý này là rất phức tạp - và do đó điều trị là rất khó khăn.

TS. Meg Arroll, một chuyên gia tâm lý chuyên về sức khoẻ, sẽ đề cập đến những yếu tố gây stress thường gặp nhất hiện nay, và chúng khác nhau như thế nào đối với từng nhóm tuổi.

Truy tìm nguyên nhân gây stress ở từng nhóm tuổi - 1

Trẻ em

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần không phân biệt độ tuổi.

Trong khi 2% trẻ em có thể được xác định trên lâm sàng là bị trầm cảm thì nhiều bệnh khác lại không được để ý tới.

Nghiên cứu của NASUWT, nghiệp đoàn giáo viên lớn nhất ở Anh gần đây thấy rằng 98% giáo viên được khảo sát cho biết đã từng tiếp xúc với những trẻ gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần, một số trong đó chỉ mới bốn tuổi.

Nguyên nhân của những trục trặc tâm lý ở trẻ nhỏ cũng đa dạng như ở người lớn (gia đình, nhà trường, bạn bè, tiền sử gia đình v.v...)

Nhưng những khó khăn về tâm lý có thể khó được xác định hơn ở trẻ, vì lo âu có thể được lý giải đơn giản là tính nhút nhát trẻ con và sẽ hết khi lớn lên.

Tuy nhiên, lo âu khi còn nhỏ (4-5 tuổi) là một dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị trầm cảm trong tương lai.

Vì vậy, nếu con bạn tránh tham gia vào các hoạt động tập thể như liên hoan sinh nhật bạn bè, khó phát biểu và trả lời các câu hỏi ở trường hoặc tâm sự với bạn rằng con không cảm thấy thoải mái như những đứa trẻ khác, thì có thể bé đang phải đối mặt với rối loạn lo âu xã hội.

Can thiệp sớm là chìa khóa đối với những trẻ có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Thiết lập và duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày, tập thể dục và tâm sự cởi mở về những lo lắng trong gia đình cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở trẻ nhỏ.

Tuổi thiếu niên

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường có xu hướng gia tăng ở tuổi vị thành niên và có thể dẫn đến gây rối loạn ăn uống, tự gây hại và bạo lực.

Sự nổi loạn của tuổi dậy thì, áp lực học hành và thi cử cũng như sự tấn công liên tục của mạng xã hội đều có thể góp phần dẫn đến lo âu và trầm cảm ở thanh thiếu niên.

Đến năm 18 tuổi, 1/5 số trẻ vị thành niên sẽ từng trải qua một đợt trầm cảm. Rất khó nhận biết những hành vi nào là sự phát triển tâm lý bình thường trong giai đoạn này và những hành vi nào là dấu hiệu của một điều gì đó nghiêm trọng hơn.

Những rắc rối ở trường học, không thấy hứng thú khi làm những điều mình từng ưa thích và đổ lỗi cho chính mình về mọi sai sót là dấu hiệu của vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nếu con bạn cư xử khác hẳn với tính cách của con, thì hãy tin tưởng vào bản năng của mình và đừng vội cho rằng chỉ là sự buồn bã bình thường.

Tuổi 20

Ngày nay những người trẻ phải nhận không ít tiếng xấu. Không chỉ bị những người nhiều tuổi hơn chê trách là thiếu thân thiện, thiếu kỷ luật và đạo đức làm việc, mà những người ở độ tuổi 20 còn phải đối mặt với những khó khăn khi trưởng thành trong một nền kinh tế ngày càng bất ổn.

Tỷ lệ rối loạn tâm lý ở cuổi tuổi thiếu niên và đầu tuổi trưởng thành cao hơn so với bất cứ giai đoạn nào khác trong đời.

Nhưng đây cũng là lúc mọi người gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Lý do là vì những người trẻ thường muốn tự lực cánh sinh, diễn giải sai các dấu hiệu của sức khoẻ tâm thần kèm và có thể cảm thấy xấu hổ về điều đó.

Truy tìm nguyên nhân gây stress ở từng nhóm tuổi - 2

Tuổi 30

Việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình có thể khiến tuổi 30 của bạn trở nên rất khó khăn.

Con cái còn nhỏ, những khoản vay nợ lớn, cha già mẹ yếu, và mong muốn giữ ổn định mọi thứ có thể dẫn đến lo âu, cảm giác choáng ngợp và trầm cảm.

Sự căng thẳng và kiệt sức ở tuổi 30 có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thường ngày, vì vậy việc tìm ra các chiến lược giúp đương đầu với những điều này là hết sức quan trọng.

Một khi đã biết cách, thiền có thể giúp trấn tĩnh tâm trí và kiểm soát cảm xúc ngay cả khi phải đương đầu với nhiều thử thách trong cuộc sống.

Tuổi 40

Đối với phụ nữ, những thay đổi về nội tiết và cơ thể tại thời điểm này cũng có thể góp phần gây ra những nỗi lo âu mới.

Cần phân biệt cảm giác buồn bã và lo lắng có phải là do sự thay đổi nội tiết hay không vì giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu trong thời điểm này

Giai đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ mãn kinh có thể kéo dài từ 2 đến 10 năm. Kinh nguyệt không đều, rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn, các vấn đề về bàng quang và tâm trạng thất thường đều có thể là dấu hiệu của suy giảm estrogen.

Do đó, nếu bạn có tất cả hoặc một số các triệu chứng cùng với lo âu và chán nản thì hãy đến gặp bác sĩ.

Nam giới hay tự sát hơn vào đầu độ tuổi 40.

Những lo lắng về tiền bạc, ly hôn, mất việc hoặc thậm chí không có lý do rõ ràng đều có thể gợi nên ý tưởng tự sát. Nhận được sự giúp đõ và hỗ trợ là rất quan trọng đối với nam giới, những người thường ngại nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Truy tìm nguyên nhân gây stress ở từng nhóm tuổi - 3

Tuổi 50

Văn hoá và xã hội nơi chúng ta sống có thể ảnh hưởng đến cách nhìn của chúng ta về tuổi tác và sự lão hoá.

Trong khi các nền văn hoá truyền thống tôn trọng và đánh giá cao tuổi tác và kinh nghiệm, thì trong xã hội hiện đại tuổi già có thể bị coi là dấu chấm hết của cuộc sống có ích.

Điều này tất nhiên là không đúng. Để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của những định kiến về tuổi tác, hãy tìm kiếm những thông điệp tích cực.

Các vấn đề về sức khoẻ tâm lý có thể khiến chúng ta ngập trong nỗi buồn, vì vậy đừng thờ ơ với sức khoẻ thể chất của mình khi già đi.

Tập thể dục có thể làm giảm trầm cảm và lo âu ở mọi lứa tuổi, song nó đặc biệt quan trọng ở tuổi trung niên vì nó giúp chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác.

Tuổi 60

Thiếu vitamin D có liên quan với trầm cảm và tâm trạng chán nản.

Thiếu Vitamin D là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi, tới mức những người trên 65 tuổi được khuyến cáo nên bổ sung 10 mcg vitamin D mỗi ngày.

Cơ thể chúng ta sản sinh vitamin D dược tác động của ánh nắng chiếu trực tiếp.

Tuy nhiên, vào mùa đông không có nhiều ánh sáng mặt trời nên từ tháng 10 đến đầu tháng 3, hãy ăn các loại thực phẩm như cá có dầu, trứng và ngũ cốc bổ sung vitamin D.

Tuổi 70

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng sự cách ly về mặt xã hội cũng gây tổn hại cho sức khoẻ ngang với hút thuốc lá.

Lý do là việc ở một mình và thiếu các kết nối xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sinh lý của cơ thể thông qua phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”.

Những người sống tách biệt không chỉ có nguy cơ đột quỵ và bệnh tim cao hơn, mà còn có thể dẫn đến các hành vi không lành mạnh như uống nhiều rượu và ăn quá nhiều, khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Sự cô đơn cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi.

Xem TV, nghe đài hoặc dành thời gian trên máy tính cũng không tạo được cảm giác kết nối với người khác.

Nếu bạn cảm thấy cô đơn, hãy tham gia các hoạt động tập thể như hoạt động sở thích, công việc tình nguyện, thăm viện bảo tàng, phòng trưng bày và thể thao cho người lớn tuổi.

Nếu bạn biết ai đó đang sống tách biệt với mọi người, hãy nhấc điện thoại lên – báo cáo của Age UK cho biết có khoảng 200.000 người lớn tuổi không có cuộc trò chuyện nào với bạn bè hoặc gia đình trong một tháng.

Thậm chí một cuộc gọi ngắn cũng sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ tâm thần của họ.

Cẩm Tú

Theo DM