Trung Quốc: 12 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B

(Dân trí) - Một em bé tại tỉnh Hải Nam (tỉnh cực nam Trung Quốc) đã tử vong vào ngày 28/12 vừa qua sau khi tiêm vắn xin viêm gan B.

Trung Quốc: 12 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B

Vắc xin từ lô có liên quan với những trường hợp tử vong bị niêm phong để thu hồi tại Phúc Châu, tình Phúc Kiến ngày 26/12/2013 (Photo/Xinhua) 

 

Đây là ca tử vong thứ 12 có liên quan đến vắc xin viêm gan B ở nước này và là ca tử vong thứ 3 liên quan tới vắc xin của công ty Tiantan Biological Products Co. Ltd Bắc Kinh.

  

Ca tử vong thứ 11 sau tiêm vắc xin viêm gan B xảy ra ở tỉnh Cam Túc. Trường hợp này là một em bé sống tại thành phố Lan Châu, tử vong sau khi tiêm vắc xin do công ty Hissen Bio-Pharm Inc Đại Liên sản xuất.

 

Trước đó, ngày 25/12 tại Lâu Để tỉnh Hồ Nam, một bé trai 2 tháng tuổi đã tử vong sau khi nhận mũi tiêm vắc xin viêm gan B ở Bắc Kinh. Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra sau tiêm loại vắc xin được sản xuất tại Thâm Quyến bỏi công ty công nghệ sinh học BioKangtai. Trung Quốc đã đình chỉ vắc xin viêm gan B do công ty này sản xuất trên toàn quốc.

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về những trường hợp tử vong này và cho biết đang hỗ trợ cho cuộc điều tra của chính phủ Trung Quốc.

 

Cơ quan y tế đang tập trung vào nhà sản xuất thuốc Biokangtai tại Thâm Quyến, là công ty có vắc xin liên quan với đa số các ca tử vong.

 

WHO ủng hộ quyết định của Trung Quốc tạm thời đình chỉ việc sử dụng vắc xin viêm gan B từ nhà sản xuất này và điều tra các vụ tử vong.

 

Tất cả trẻ em Trung Quốc đều được nhận liều vắc xin viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm hai liều nữa khi được 1 và 6 tháng tuổi.

 

Nhờ chương trình tiêm chủng, Trung Quốc đã giảm được tỷ lệ viêm gan B xuống còn chưa đến 1% ở trẻ dưới 5 thổi, so với tỷ lệ trước đây khi chưa có tiêm chủng là 9%.

 

Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Trung Quốc thì hiện vẫn có vắc xin của 5 nhà sản xuất khác, vì thế không có nguy cơ thiếu vắc xin.

 

Văn phòng WHO tại Bắc Kinh đã họp với Ủy ban Quốc gia về Y tế và Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc để cùng thảo luận về tình hình.

 

Theo ông Bernhard Schwartlander, giám đốc Văn phòng WHO tại Trung Quốc thì khó xác định mối liên quan nhân quả giữa vắc xin và những ca tử vong ở trẻ em xảy ra gần đây, vì gần như tất cả trẻ em Trung Quốc đều được tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng được đánh giá “rất thành công” của nước này.

 

Trung Quốc bắt đầu đưa vắc xin viêm gan B vào chương trình tiêm chủng quốc gia năm 2002. Các vắc xin trong chương trình bảo vệ chống lại 10 bệnh và đều được sản xuất trong nước.

Theo Trung tâm phòng chống bệnh dịch Mỹ (CDC) thì vắc xin viêm gan B rất an toàn và hầu hết người tiêm không gặp vấn đề gì. Phản ứng nặng cực kỳ hiếm xảy ra, còn phản ứng dị ứng nguy hiểm có tỷ lệ khoảng 1/1,1 triệu liều.

 

Cẩm Tú

Theo ChinaDaily và WantChinatimes