Trời nóng nắng, nhiều trẻ đổ bệnh

(Dân trí) - Theo thống kê từ các bệnh viện, mấy ngày trời oi bức vừa qua, số trẻ đến khám tăng vọt. Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, với tiết trời nắng nóng, càng phải chú ý, quan tâm tới sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Chiều 29/5, BS Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Tổng hợp bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, mấy ngày qua có khoảng 1.300 bệnh nhi đến khám mỗi ngày. Cá biệt, trong mùa nắng nóng này, có ngày lượt người đến khám khoảng 1.900 lượt, tương ứng với ngần ấy quyển sổ y bạ được bán ra. Như vậy, con số đến khám, điều trị thực tế còn đông hơn do nhiều trẻ đến tái khám (đã có sổ khám cũ).

Tại khoa Nhi BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa cho hay, số bệnh nhi vào khoa khám tăng gấp rưỡi ngày thường. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhi sốt dịch, viêm phổi, tiêu chảy… Ngoài ra, có cả bệnh viêm màng não nước trong.

Sốt do chênh lệch nhiệt độ

Sáng 29/5, gặp chị Hải Minh đưa con khám tại BV Nhi T.Ư vì cháu bị sốt cao tới 38,7 độ C. Ôm con trai tròn 11 tháng tuổi vừa được bác sĩ khám và cho thuốc hạ sốt, người vẫn đang hầm hập như lò than, chị vừa bực tức kể lỗi bà osin ngang bướng.

Dù đã dặn kỹ người giúp việc nhưng hôm nào đi làm về chị cũng thấy hàng xóm kể lại bà toàn cho cháu đi chơi vào những giờ oái oăm. Có hôm, 2h chiều bà đã cho cháu xuống sân khu chung cư chơi. Dù bóng nắng bị lấp bởi nhà cao tầng, nhưng nền bê tông vẫn hầm hập hơi nóng.

Hôm qua, chị bất ngờ đi làm về sớm, thấy cả khoảng sân rộng chỉ có mỗi hai bác cháu. Bác thì đang ngồi một chỗ phe phẩy quạt, còn để cháu bò lê, bò toàng ngay trên nền xi măng hầm hập. Báo hại tới đêm, cháu sốt đùng đùng, cứ dùng hạ sốt được vài tiếng lại sốt lại nên hôm nay chị phải đưa con đi khám bệnh.

BS khám bệnh cho biết: Nền bê tông vốn bị hấp thụ nhiệt cao, cho trẻ chơi đùa làm trẻ càng nóng bức, ra nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, nên thân thiệt bị tăng cao, có thể gây sốt.

Tại phòng khám hô hấp khu khám bệnh tự nguyện, rất nhiều trẻ đến khám do bị viêm họng, viêm phổi vì dùng điều hoà nhiệt độ.

Chị Linh khu đô thị Văn Quán kể, dù chị rất ý thức việc chênh lệch nhiệt độ cao có thể khiến trẻ bị bệnh, nhưng cậu bé 8 tháng tuổi nhà chị vẫn bị viêm họng, sốt.

Vì thời tiết nóng bức nên ban ngày chị cũng bật điều hoà cho con chơi trong phòng. Nhưng khổ nỗi, chỉ chơi được một lúc là bé lại khóc, đòi ra ngoài bằng được. Trong khi đó, các anh chị lớn hơn tí thì chạy nhảy, hò hét ngay dọc hàng lang khu chung cư nên bé càng bơi ra.

Khi mở cửa phòng, chị đã bế con đứng một lúc ở cửa rồi mới ra hành lang, sau thấy bé nóng quá, mồ hô vã ra lại ôm vội con vào ngay phòng điều hoà mà chưa kịp lau mồ hôi, quạt mát cho cháu. Một ngày, không biết bao lần đi lại như thế. Đến ngày thứ 2 thì bé húng hắng ho, rồi sốt.

Tiêu chảy vì ăn đồ lưu

BS Dũng cho biết, ngoài những ca tiêu chảy do vi rút, thời điểm này, rất hay gặp trẻ bị đi ngoài vì ăn thức ăn lưu.

Bệnh nhi Nguyễn.V.L, 9 tháng tuổi bị đi ngoài chỉ 2 tiếng sau khi ăn nốt bát bột thừa buổi trưa. Chị Hải, mẹ cháu L cho biết, cháu ăn bột từ lúc 11h30 trưa 28/5, nhưng không ăn hết còn khoảng ½ bát. Chị để bột ngay trên bàn, định thêm 30 phút nữa thì dứ con ăn nốt. Nhưng đến giờ đi làm, con chưa dậy, chị đã dặn người giúp việc đổ đi, không cho cháu ăn. Thế nhưng, 5h chiều về nhà, lại thấy người giúp việc “khoe” vừa cho cháu ăn sữa, rồi ngâm bột trong nước ấm, cháu đã ăn ngon lành chỗ bột thừa từ trưa.

Chị nơm nớp lo con bị đi ngoài, y rằng sau đó khoảng 2 tiếng, bé bắt đầu bị đi lẹt xẹt, rồi đi toàn nước. Chị vội đưa con tới viện, may mà chỉ bị nhẹ nên giờ con chị đã ổn định, có thể xuất viện.

Theo BS Dũng, thức ăn đã chế biến chín, trong điều kiện nóng bức này, nếu để bên ngoài sau hai tiếng thì không nên ăn. Vì thức ăn dễ ôi thiu, ăn vào sẽ đau bụng, nhất là với trẻ. Còn đồ trong tủ lạnh, khi bỏ ra ăn phải bảo quản.

Nhiều bà nội trợ coi tủ lạnh là kho dự trữ thức ăn vô thời hạn, đảm bảo tươi ngon nên vô tư lưu trữ thực phẩm tươi, sống trong tủ ăn dần. Nhưng không phải vậy, tủ lạnh chỉ có tác dụng giữ tươi thực phẩm, làm chậm lại quá trình phát triển của vi sinh vật. Nếu để quá nhiều đồ trong tủ, sẽ khiến không khí trong tủ không được lưu thông, không vệ sinh thường xuyên, tủ lại là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển. Trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hoá, dẫn đến đi ngoài khi ăn phải các thực phẩm này.

Những lưu ý khi dùng điều hoà

BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, dùng điều hoà đúng cách sẽ giúp bé giảm khó chịu khi trời nóng bức và cả khi bé bị sốt. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, điều hoà cũng có quạt gió, vì thế, khi bé bị sốt, nên để quạt gió đứng yên, không chếch thẳng vào bé. Vì khi sốt, lỗ chân lông thường mở, nếu quạt gió vào người sẽ có nguy cơ cảm lạnh.

Cần lưu ý tránh sự chênh lệch nhiệt độ khi dùng điều hoà. Chỉ khi bé đến giờ ngủ mới nên cho vào phòng có điều hoà, hạn chế đi ra, đi vào. Hoặc khi cho bé chơi trong phòng điều hoà, trước khi ra ngoài, phải tắt điều hoà (hoặc nâng nhiệt độ lên mức cao, 29độ), rồi mở cửa phòng khoảng 5 phút mới đi ra. Như vậy, sự chênh lệch nhiệt độ là không lớn, sẽ giảm tác động đến sức khoẻ của trẻ.

Ngoài ra, khi đã bật điều hoà, tuyệt đối không cho trẻ nằm trực tiếp xuống chiếu trúc hay nền gạch vì chiếu và gạch đều hấp thụ nhiệt độ, sẽ rất lạnh lưng, dễ bị viêm phổi. Tốt nhất, nên để trẻ nằm riêng trên một chiếu cói nhỏ. Chỉ nên để nhiệt độ từ 26 - 28độ C. Khi ngủ, nên mặc cho trẻ một chiếc yếm dãi để ấm cổ, ngực, hạn chế viêm họng.

Và để giảm tình trạng khô da, mũi họng do điều hoà, nên để một chậu nước nhỏ trong phòng, hoặc có thể sử dụng máy phun sương cá nhân để tạo độ ẩm trong phòng.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ