Trẻ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức

(Dân trí) - 2 triệu trẻ em Việt Nam chịu những tổn thương về thể chất và trí não do suy dinh dưỡng, 3 triệu trẻ chưa được sử dụng nước sạch, 1,75 triệu trẻ em phải lao động và gần 70% trẻ từng trải qua hình thức kỷ luật bạo lực.

Trong buổi toạ đàm về "quyền trẻ em và những nguyên tắc kinh doanh" ngày 9/12 do UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) tổ chức, ông Jesper Moller, Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam đưa ra những con số trên.

Rất nhiều trẻ em Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các thách thức từ phát triển kinh tế như di cư, bất bình đẳng gia tăng, cấu trúc gia đình bị phá vỡ và giảm liên kết xã hội.

Trong khi đó, những năm đầu, 0-2 tuổi, 80% bộ não của trẻ đã phát triển. Vì vậy những tổn thuơng ở giai đoạn này khó hồi phục. Hơn thế nữa, 27,5% trẻ em ở Việt Nam vẫn còn thấp còi, nên các chuyên gia lo ngại cho một thế hệ lao động.

Chăm sóc sức khỏe sinh
sản cho phụ nữ là một trong những cách bền vững để bảo vệ trẻ em
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ là một trong những cách bền vững để bảo vệ trẻ em

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia khẳng định, nếu đầu tư 100USD cho trẻ từ sớm giúp trẻ nâng cao thể chất, thể lực, trong tương lai, chúng ta có thể có được một nguồn lao động thu được 30.000USD/ngày.

Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát về doanh nghiệp, 90% nhà quản lý được hỏi đều sẵn sàng cam kết thực hiện những hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhưng chỉ 28% các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động trách nhiệm xã hội.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, 80% lao động của họ là nữ. Vì vậy đầu tư cho trẻ giúp mẹ không nghỉ làm vì con ốm: nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, khuyến khích đưa trẻ đi chích ngừa, chương trình kêu gọi sử dụng muối i-ốt, đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, trường học...

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này hiện sử dụng đến 50% lực lượng lao động, chủ yếu lĩnh vực dịch vụ và chế biến.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, nhiều quy định sẽ được đưa vào Luật Trẻ em, nhằm hỗ trợ quyền trẻ em, đối với môi trường, hoạt động đầu tư, đồng thời chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng, dịch vụ đảm bảo an toàn, phù hợp với sức khoẻ của trẻ.

Theo một đại diện doanh nghiệp, họ sẵn sàng đóng góp một cách cụ thể như: tại các khu công nghiệp lớn, lao động nữ nhiều, trong khi đó nhà trẻ lại không có. Doanh nghiệp kêu gọi nhà nước cấp đất và bổ nhiệm nhân lực, doanh nghiệp sẽ xây trường và giám sát.

Doanh nghiệp thường tham gia các hoạt động từ thiện trực tiếp, chưa có những kế hoạch bền vững như đào tạo nghề cho lao động trẻ, hỗ trợ nhân viên phát triển tài năng để duy trì lực lượng lao động lành nghề.

An Quý
<!--[if !supportLineBreakNewLine]-->
<!--[endif]-->