Thừa Thiên Huế:

Trạm y tế xã: Cứ tốt khắc "hút" người dân khám bệnh

(Dân trí) - Với chỉ tiêu tăng bảo hiểm y tế (BHYT) của Thủ tướng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2020 là hơn 85%, trong giai đoạn đầu này, tỉnh này đã thực hiện tốt các mục tiêu mà địa phương tự đề ra.

Ngày 10/11, ThS.BS CK II. Nguyễn Mậu Duyên, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay, tuy quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng mới ban hành, nhưng Sở Y tế đã lập kế hoạch trình HĐND tỉnh lập dự thảo về việc xây dựng chỉ tiêu phát triển BHYT.

Với dân số hơn 1,14 triệu người, dự kiến tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2015 của Thừa Thiên Huế là 80,5%. Các năm tiếp cụ thể là 2016 (83,4%), 2017 (84,1%), 2018 (84,7%), 2019 (85,8%) và 2020 là 86,1%. “Tình hình thực hiện rất khả quan. Sáu tháng đầu năm 2015 tỷ lệ bao phủ đã là 79,82%. Tháng 11 này đã hơn 84% nên cuối năm nay, chắc chắn chúng tôi sẽ vượt chỉ tiêu” – ông Duyên cho hay.

Hiện tại Huế tỷ lệ đóng BHYT thấp nhất thuộc về nhóm “hộ gia đình” (trên 60%). Tiếp đến là nhóm “Doanh nghiệp và tổ chức khác” ( trên 61%), “Học sinh, sinh viên” (91%) và “Cận nghèo” (92%).

Người dân huyện miền núi A Lưới tới trạm y tế cơ sở xã để khám BHYT
Người dân huyện miền núi A Lưới tới trạm y tế cơ sở xã để khám BHYT

Nhưng so sánh với cách đây 3 năm trước, thì tỷ lệ BHYT ở các nhóm đã tăng lên nhiều. Đặc biệt là nhóm “Cận nghèo” đã tăng đáng kể do được các nguồn là: ngân sách trung ương hỗ trợ 70%, dự án hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ hỗ trợ 5-10%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 15%. Nên còn lại người thuộc hộ cận nghèo chỉ đóng 5% hay 10%.

Ông Duyên cho biết thêm: “Bên cạnh đó, do tuyên truyền, vận động người dân tốt từ các hội đoàn như Hội Nông dân, Hội phụ nữ thôn, xã, phường nên ở các nhóm dân cư đã đóng BHYT nhiều hơn. Mạnh nhất là ở các Hội nông dân xã Phú Thượng, Phú Mậu (huyện Phú Vang), Thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền…

Quan trọng nhất là cơ sở vật chất được cải thiện từ các trạm y tế đã thu hút người dân tới khám bệnh, từ đó tăng số lượng mua thẻ BHYT. Tại 152 xã, phường trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế thì trên 90% các trạm y tế đều 2 tầng, có các máy hiện đại như máy siêu âm… Ước tính có gần 60% người dân địa phương tới trạm y tế khám”.

Hơn 90% trạm y tế cơ sở tại Huế đều có cơ sở khang trang, thiết bị khám chữa bệnh đáp ứng nên người dân tới khám bệnh nhiều, từ đó sẽ mua BHYT nhiều hơn
Hơn 90% trạm y tế cơ sở tại Huế đều có cơ sở khang trang, thiết bị khám chữa bệnh đáp ứng nên người dân tới khám bệnh nhiều, từ đó sẽ mua BHYT nhiều hơn

Theo TS.BS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, để phát triển chỉ tiêu phát triển BHYT, điều cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền tới mọi đối tượng hiểu đầy đủ về chính sách BHYT và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

Quan trọng là các y bác sĩ phải hơn nữa nâng cao tinh thần thái độ, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường chăm sóc toàn diện người bệnh, nâng cao chất lượng điều trị. Từng bước chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Tăng cường trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng thêm cho các trạm y tế cấp xã.

Hình ảnh đông đảo người dân đến trạm y tế xã khám trong ngày
Hình ảnh đông đảo người dân đến trạm y tế xã khám trong ngày

Sở Y tế hiện đang có kế hoạch khá chi tiết xây dựng chỉ tiêu phát triển BHYT đối với các nhóm đóng BHYT thấp như ở nhóm “Doanh nghiệp”, sẽ thanh tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm thực hiện chính sách BHYT. Ở nhóm “Học sinh, sinh viên” sẽ đưa chỉ tiêu tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các trường. Nhóm “Hộ gia đình” sẽ có chỉ tiêu hàng năm và từ đó về vận động các hộ gia đình tham gia, đơn giản thủ tục để tham gia BHYT…

Hội Nông dân và Hội Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nông dân và gia đình họ tham gia BHYT. Hai đầu mối này cũng có nhiệm vụ vận động các nguồn lực hỗ trợ cho hộ gia đình nông dân có mức sống trung bình (đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT). Đồng thời, sẽ tham gia xây dựng các chính sách liên quan đến BHYT cũng như giám sát, đánh giá việc thực hiện BHYT.

Đại Dương