Trầm cảm do bị ép học

Đặt kỳ vọng lớn vào con trẻ về học hành nhưng lại không đánh giá đúng khả năng của trẻ, vô tình các bậc cha mẹ đã tạo áp lực khiến con bị khủng hoảng tâm lý kéo theo nhiều hậu quả đáng tiếc.

6 tuổi đã trầm cảm

Đưa con gái mới 6 tuổi tới bệnh viện tâm thần trong tình trạng “lơ ngơ”, chị T.T.H (Vĩnh Phúc) cho biết, con chị lười biếng, học chậm hơn các trẻ khác. Do đó, chị phải kèm cặp rất nhiều để con được “bằng chị bằng em”.

Ngoài học 2 buổi ở trường, buổi tối chị còn chở con đến nhà một cô giáo học luyện đọc, luyện chữ thêm. Nhưng con vẫn bị cô phê bình chậm chạp, chị liền la mắng, dùng các biện pháp trừng phạt như cấm không cho con xem tivi, ăn cơm…

Chị mắng chửi con nếu không học giỏi chỉ có đi nhặt rác, đi ăn xin những hình ảnh minh họa sống động về hai “ngành nghề” này trên mạng. Nhưng không hiểu sao càng mắng, càng rèn, con chị càng lơ ngơ, chậm chạp. Cháu hay ngủ mê khóc thét, đái dầm trở lại như hồi 1 tuổi. Gần đây, khi chị vừa mắng vài câu con gái đứng ngay giữa nhà… tè, rồi co mình vào góc nhà kêu sợ. Chị H sợ quá liền đưa con đi khám tâm thần.

Thanh thiếu niên cần được cân bằng giữa chơi và học. Ảnh minh họa: Đàm Duy
Thanh thiếu niên cần được cân bằng giữa chơi và học. Ảnh minh họa: Đàm Duy

Bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết, đây là trường hợp rối loạn tâm thần vì sợ học ít tuổi nhất mà ông đã gặp. Người mẹ không nhận thấy việc mình ép buộc con học, chửi mắng con chính là nguyên nhân khiến con bị tổn thương tâm lý. Chị vẫn cho rằng mắng thế đã thấm vào đâu, học vậy chỉ bằng con người ta “tráng miệng”, 6 tuổi ngày xưa chị chỉ lớn bằng cái chân con trâu mà vẫn phải ngày ngày đi chăn dắt, cắt cỏ… còn vất vả hơn nhiều.

Vào những mùa thi, không ít cha mẹ đã phải đưa con đến bệnh viện vì đang học hành bỗng cười khóc bất thường, hoặc nói năng lảm nhảm, hoặc trốn vào trong phòng, sợ hãi tiếp xúc với người khác.

Bệnh con, chữa… cha mẹ

"Điều tra gần đây tại một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội cho thấy, hơn 15% trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Điều tra tại Đà Nẵng cũng cho kết quả tương đương. Nhưng hầu hết cha mẹ và thầy cô đều coi nhẹ, cho rằng trẻ chỉ hiếu động, mất tập trung, trầm tính, nhút nhát...”.

Bác sĩ Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

 

Bác sĩ Nguyễn Đăng Luyện - Phó Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1) cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 16 tuổi, học sinh lớp 11 (trú tại Thường Tín, Hà Nội). Gia đình cho biết, em này đang yên đang lành bỗng nhiên có các biểu hiện mất ngủ, ngại tiếp xúc. Đáng sợ nhất là em cứ thích leo lên sân thượng ngồi bần thần một mình, cha mẹ gặng hỏi nguyên nhân cũng không nói. Họ rất sợ bỗng dưng con gái… nghĩ quẩn. Đến gặp bác sĩ, em gái cũng không nói chuyện nhiều, chỉ bảo chán học, mệt mỏi. Kết quả tư vấn và điện não đồ cho thấy bệnh nhân này bị trầm cảm dạng nhẹ.

Theo bác sĩ Luyện, đa số thanh thiếu niên đến khám đều rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài, mệt mỏi, buồn chán, ngại tiếp xúc với mọi người. Không ít em kêu than bố mẹ thấy con học kém nên cứ ép con đi học thêm hết trung tâm nọ, thầy kia nhưng em càng học càng trì trệ. Lại có em cứ nhìn thấy sách là đau đầu, mệt mỏi. Có em thấy mình sắp phát điên vì đi ngủ cũng mơ thấy sách vở...

Bác sĩ Cương cũng khẳng định, đừng chỉ nhìn nhận rối loạn tâm thần là bình thường như mất ngủ, buồn chán, mệt mỏi. Vì nếu không được điều trị, các em có thể sẽ có biểu hiện nặng hơn, tìm cách hại bản thân như tự cứa tay, dí thuốc lá đang cháy lên người, thậm chí tự tử.

Theo bác sĩ Cương, nguyên nhân sâu xa gây ra căn bệnh này thực chất là từ cha mẹ. Hầu hết các em sợ học đến mức trầm cảm là do không thể gánh nổi kỳ vọng của cha mẹ. Trẻ chỉ có trí thông minh trung bình thì có nhồi nhét kiến thức đến đâu cũng khó thành xuất sắc. Việc học nhiều đã khiến trẻ suy sụp trí lực, kèm theo sự mắng chửi, trừng phạt của cha mẹ khiến trẻ bị căng thẳng, trầm cảm.

“Vì thế, chúng tôi không chỉ kê đơn cho trẻ mà còn phải tư vấn, điều trị tâm lý cho cả các bậc cha mẹ để họ hiểu ra vấn đề. Mỗi trẻ có năng lực, có ngưỡng nhận thức riêng. Con học chưa giỏi không có nghĩa là đồ bỏ đi, là nỗi xấu hổ với cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ hiểu và tự điều chỉnh suy nghĩ, không gây áp lực cho con, tôn trọng, yêu thương con thì đứa trẻ mới dần dần lấy lại được thăng bằng tâm lý” – bác sĩ Cương cho biết.

Theo Diệu Linh

Dân Việt